Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thủy điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn.
Bà Chẩu Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, với giá trị sinh thái và vẻ đẹp hùng vĩ, lãng mạn, thác Nặm Me đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia cần được bảo vệ và phát huy.
Có nhiều ngả để có thể tới được thác Nặm Me, nhưng đều phải đi bằng thuyền mới tới chân thác thuận lợi. Du khách có thể đi theo lộ trình từ chân đập thủy điện Tuyên Quang qua danh thắng Cọc Vài rồi đến thác Nặm Me, hoặc qua Bến Thủy thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đi thuyền máy ngược lên hướng làng chài Phúc Yên tầm 45 phút là tới. Nhiều người đã leo thác Nặm Me cho rằng, đây là con thác đẹp nhất huyện Lâm Bình.
Dẫn chúng tôi đi chinh phục con thác, anh Nguyễn Khắc Sáng, dân tộc Tày, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà giới thiệu, con thác bắt nguồn từ những cách rừng đại ngàn của Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình đổ xuống khu vực núi Hát Nghiền xã Khuôn Hà tạo thành thác Nặm Me. Người dân địa phương còn gọi thác Nặm Me là thác Suối Mẹ, còn thác Khuổi Nhi là Suối con.
Nhìn từ xa, dòng thác Nặm Me như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa xanh thẳm núi rừng. Thác có 15 tầng thác lớn nhỏ, mạnh mẽ tung bọt trắng xóa quanh năm đổ từ trên cao xuống. Người bảo đó là tiếng khóc thương mẹ của chàng trai Tài Ngào hiếu thảo.
Dưới mỗi chân tầng thác là một vực nước trong xanh, mát lạnh. Trên những thân cây cổ thụ hoặc trên vách đá dựng đứng như bức tường thành là những giò phong lan rừng tỏa hương, khoe sắc. Những dòng nước chảy tràn qua các phiến đá tròn, mịn khiến dòng nước tỏa rộng như chiếc váy xòe trắng muốt của thiếu nữ, lấp lánh trong ánh nắng vàng.
Nhiều du khách thắc mắc thác Nặm Me đẹp vậy, đẹp hơn cả thác Khuổi Nhi mà chưa có nhiều du khách biết tới. Anh Lý Văn Để, dân tộc Dao đỏ thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà, chủ thuyền máy Tuyết Phương hay đưa du khách khám phá thác Nặm Me giải thích, để đến được chân thác Nặm Me du khách phải đi bằng thuyền khá xa. Hơn nữa con thác dữ, hiểm trở gần như hoang sơ, khá nguy hiểm cho những người không thông thạo địa hình.
Với chiều dài 4.000m, để chinh phục đỉnh thác, một thanh niên trai tráng leo lên leo xuống mất gần một buổi. Vào mùa mưa, nước đổ trên thác xuống mạnh, tung bọt trắng xóa, không phải ai cũng dám leo lên.
Hiện nay các homestay của xã Thượng Lâm và Khuôn Hà vẫn đang dẫn khách chinh phục thác Nặm Me trong tour du lịch mạo hiểm. Nhưng du khách thường được lựa chọn là người khỏe mạnh hoặc là khách phương tây ưa khám phá, song phải có nhiều thanh niên bản địa thông thạo địa hình đi kèm.
Xã Khuôn Hà xác định du lịch là hướng phát triển tốt của địa phương. Ngoài bản sắc văn hóa dân tộc, phong cảnh núi đá vôi, cánh đồng Khuôn Hà tuyệt đẹp, trên địa bàn xã còn có 3 di tích, danh thắng được công nhận là di tích quốc gia như động Song Long, hang Phia Vài và thác Nặm Me.
Địa phương mong muốn các đơn vị quản lý du lịch của huyện, tỉnh cần nhanh chóng khảo sát, thiết kế đường lên xuống thác Nặm Me, có tuyến dây cáp hỗ trợ an toàn. Hơn nữa cần có biển chỉ dẫn khu vực nguy hiểm, có các trạm quan sát, hỗ trợ du khách trên toàn tuyến. Như vậy thác Nặm Me mới được phát huy giá trị, trở thành tua du lịch kỳ thú của xã Khuôn Hà nói riêng và huyện vùng cao Lâm Bình nói chung.
Theo Du lịch Tuyên Quang
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |