Đền thờ Đức Thánh Trần là điểm du lịch tâm linh trong lòng phố cổ Tp. Vĩnh Yên
Đền nằm ở vị trí trung tâm của Tp Vĩnh Yên, trên con phố cổ (Trần Quốc Tuấn) quanh năm được bao bọc bởi hai hàng cây xanh ngát. Phố Trần Quốc Tuấn được người dân gọi là phố ẩm thực (phố ăn đêm). Mỗi lần du khách tới Vĩnh Yên ít nhiều cũng được nghe về con phố này.
Đường vào đền Đức Thánh Trần, người dân thường gọi đây là phố ẩm thực Tp. Vĩnh Yên
Trước đây, trền nền cũ, đền xây dựng nhỏ theo lối kiến trúc 3 gian (1 gian chính, 2 gian phụ) khoảng hơn 40m2. Trải qua biến cố thời gian, theo dòng chảy của lịch sử một số hạng mục trong đền bị xuống cấp ảnh hưởng đến vẻ đẹp cảnh quan di tích. Ngày 29/5/2013 Ban quản lý đền đã tiến hành cải tạo một số hạng mục công trình đền để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của khu di tích với sự giúp đỡ, quan tâm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và những tấm lòng hảo tâm công đức của bà con nhân dân trong việc tu bổ, tôn tạo khu di tích với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, đền được tu bổ, tôn tạo khang trang và là điểm sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tâm linh cho nhân dân trong vùng.
Phía trước gác chuông trong đền là hồ nước quanh năm xanh mát
Diện tích khuôn viên đền Đức Thánh Trần khoảng 300m2, từ lối vào cổng đền bên phải là hồ nước quanh năm xanh mát. Giáp với hồ ở gần khu vực sân đền là gác chuông 2 tầng được xây dựng kiến cố giống như gác chuông trong Văn miếu Quốc Tử Giám, quả chuông to nặng hàng trăm kg được người dân công đức từ khi tu bổ tôn tạo đền.
Ban thờ Đức Thánh Trần
Trong đền, gian chính là ban công đồng, bên phải là ban bắc đẩu, bên trái là ban đức ông. Sau chính giữa là ban thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) phía trái thờ ban nam tòa, bên trái thờ ban vương cô đệ nhất. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với quá trình hình thành, lịch sử của đền. Ngoài khu vực đền thì bên cạnh đền người dân xây dựng khu vực thờ phật với diện tích khoảng 20m2.
Đền được tu bổ, tôn tạo khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương
Đền Đức Thánh Trần, Trần Hưng Đạo (chữ Hán: 陳興道,1228 - 1300), còn được gọi là Hưng Đạo Đại Vương (興道大王) hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương (仁武興道大王) là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử nước ta với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288. Ông nguyên có tên khai sinh là Trần Quốc Tuấn (陳國峻).
Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian thời sau thường dùng tên gọi vắn tắt là "Trần Hưng Đạo" thay cho cách gọi tên đầy đủ và trang trọng hơn là "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn" dành cho ông. Cách gọi tên các danh nhân theo kiểu vắn tắt này là phổ biến dưới thời phong kiến ngày xưa. Cần lưu ý rằng "Hưng Đạo đại vương" là tước phong chính thức cao nhất do vua nhà Trần ban tặng cho Trần Quốc Tuấn lúc sinh thời do công lao trận mạc của ông và tước "Hưng Đạo đại vương" có cấp bậc cao hơn tước "Hưng Đạo vương" dù cùng thuộc hàng vương tước được ban cho những người thân cận trong hoàng tộc nhà Trần đương thời.
Đền Đức Thánh Trần trước khi được tu bổ tôn tạo
Là con của thân vương Trần Liễu và là cháu nội của Trần Thái Tổ, Trần Hưng Đạo có mối quan hệ mật thiết với hoàng tộc họ Trần và vua Trần Nhân Tông gọi ông bằng bác. Năm 1257, ông được Trần Thái Tông phong làm tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược. Sau đó ông lui về thái ấp ở Vạn Kiếp. Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, nhà Nguyên (Mông Cổ) đe dọa đánh Đại Việt lần hai, Hưng Đạo vương được Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Hoàng đế Trần Nhân Tông (em họ và cháu họ ông) phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội cả nước. Trên cương vị này, năm 1285, ông lãnh đạo quân sĩ chặn đánh đội quân xâm lược của Trấn Nam vương Thoát Hoan. Sau những thất bại ban đầu, quân dân Việt dưới sự lãnh đạo của hai vua Trần, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Hưng Đạo vương phản công mạnh mẽ, phá tan quân Nguyên trong các trận Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp... quét sạch quân Nguyên khỏi biên giới.
Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt. Hưng Đạo vương tiếp tục làm Quốc công tiết chế; ông khẳng định với Trần Nhân Tông: "Năm nay đánh giặc nhàn". Ông đã dùng lại kế cũ của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân của các tướng Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi trong trận Bạch Đằng. Quân Nguyên lại phải chạy về nước. Tháng 4 âm lịch năm 1289, Trần Nhân Tông chính thức gia phong ông làm "Đại vương" dù chức quyền đứng đầu triều đình khi đó vẫn thuộc về Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải.
Sau đó, ông lui về Vạn Kiếp đến khi mất năm 1300. Trước khi mất, ông khuyên Trần Anh Tông: "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Sinh thời, ông có viết các tác phẩm Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư nhằm động viên quân sĩ, phân tích nghệ thuật quân sự.
Sinh thời ông có những câu nói nổi tiếng như “Bệ hạ chém đầu thần rồi hãy hàng" - trả lời Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông trong cuộc kháng chiến lần 2. Hay trong bài Hịch tướng sĩ ông viết: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”. Trả lời Trần Anh Tông về quốc sách giữ nước trước khi mất, ông nói: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. (Nên) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”
Tưởng nhớ công ơn của ông nhiều nơi trong cả nước đã lập đền thờ ông. Đền thờ Đức Thánh Trần ở phường Ngô Quyền, Tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) là một trong nhưng di tích cùng với các di tích khác trong cả nước thờ ông như ở đền Trần, Nam Định, Thái Bình.
Theo Văn hiến