Khi các đầm ao đã cạn nước, người dân Lập Thạch, Vĩnh Phúc chuẩn bị cấy lúa, cũng là mùa làm cá thính nơi đây. Dù nguyên liệu làm cá thính rất dễ kiếm, nhưng món ăn độc đáo này đang dần mai một, do cách chế biến vô cùng công phu và tốn thời gian.
Cá để muối phải là cá to, nhiều thịt như cá mè, cá trắm, cá chép… Cá được làm sạch, cắt khúc, không cạo vảy, trên mỗi miếng cá khía nhiều đường nhỏ, rồi ướp muối, cho vào chum đậy kín trong khoảng 10 ngày. Khi cá đã ngấm muối, người ta lấy cá ra, ép hết nước muối, để miếng cá ráo nước, rồi rắc thính.
Cá được sơ chế, làm sạch trước khi đem làm thính. Ảnh: dacsancathinh.blogspot.com
Để làm được thính rắc lên cá Lập Thạch là cả một nghệ thuật. Thính được làm từ ngô hoặc gạo tẻ, gạo nếp, đỗ tương rang vàng trên lửa liu riu để đạt độ giòn thơm. Hơn nữa, thính để làm cá không không được giã thành bột, mà thành những hạt tấm để có thể hút cho miếng cá khô không chảy nước và không bị tanh.
Thính ngô – nguyên liệu chủ yếu của món cá thính Lập Thạch
Sau khi được khoác lên mình những lớp thính dày, những miếng cá được đặt cẩn thận vào lọ sành, cứ một lớp cá lại rải một lớp thính cho tới khi đầy lọ. Cá thường mất khoảng 6 tháng mới ngấm thính và lên chua, khi đó ăn mới ngon.
Cá thính ngon nhất khi được kẹp que tre, nướng trên bếp than củi. Nhưng giờ đây, để tiện dụng, các gia đình thường cho vào chảo mỡ sôi, rán vàng.
Cá thính Lập Thạch thơm ngon, đậm đà hương vị quê hương. Ảnh: 24h.com.vn
Với vị chua chua, mằn mặn của thịt cá được ướp thính rang vàng, món đặc sản này không chỉ là thức ăn dự trữ, mà còn là món quà tuyệt vời, đậm đà hương vị quê hương, để biếu tặng người thân, bạn bè.
Lan Hương