Cổng tò vò trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Trần Quý Thịnh
Đảo Lý Sơn, điểm du lịch không chỉ hấp dẫn du khách khi đến Quảng Ngãi với cảnh đẹp thiên nhiên, biển đảo hoang sơ, mà còn thu hút bởi vẻ chân chất, hiền hòa của người dân nơi đây. Đến Lý Sơn, du khách có dịp hòa mình vào những tập quán sinh hoạt, văn hóa mang đậm dấu ấn cư dân biển đảo.
Vài năm gần đây, dịch vụ homestay tại Lý Sơn phát triển mạnh tạo thêm những cảm nhận thú vị với du khách. Dịch vụ lưu trú này kết hợp trải nghiệm các nghề truyền thống như học trồng - thu hoạch hành tỏi, làm rượu tỏi, chế biến các món ăn địa phương, soi cá ban đêm...
Anh Nguyễn Hùng Anh, du khách ở thành phố Hồ Chí Minh rất thích thú khi chọn dịch vụ homestay ở Lý Sơn: "Giá homestay rẻ hơn giá những khách sạn ở đây. Ở với người dân cũng rất vui, được trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây, rất hay."
Du lịch đến Lý Sơn cùng khám phá nghề trồng hành tỏi với người dân trên đảo
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chọn Lý Sơn và 3 huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ xây dựng thí điểm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng từ nay đến năm 2020. Trên tuyến du lịch đến Bình Sơn- Lý Sơn, du khách tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng gắn kết giữa làng bích họa Gành Yến và các điểm trải nghiệm trưng bày đồ cổ và gốm Mỹ Thiện. Qua đó, kết nối tour du lịch khám phá những giá trị tương đồng về cảnh quan và địa chất nằm trong quần thể Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, chính quyền địa phương cần tạo sự gắn kết của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.
Du khách tham quan Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn
Đến với huyện miền núi Ba Tơ, du khách tham gia mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa Hrê gắn với Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Cùng với tour du lịch kết nối với huyện Nghĩa Hành, du khách có cơ hội khám phá không gian đậm chất miệt vườn, làng nghề truyền thống, thưởng thức các món ăn dân dã đặc trưng của đồng bào vùng cao...
Du lịch cộng đồng, trong đó, người dân địa phương là chủ thể trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động. Sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng phải mang đặc trưng riêng, tạo cho du khách sự thích thú trải nghiệm, để họ hiểu hơn về phong tục, tập quán, về đời sống sinh hoạt, văn hóa, lịch sử của địa phương... Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định: Đây cũng là mục tiêu ngành du lịch Quảng Ngãi hướng đến trong thời gian tới.
Người dân và du khách cùng tạo hình cờ Tổ quốc tại Hang Cau, Lý Sơn
Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng để người dân có thể tham gia, đều được hưởng thụ từ thành quả du lịch. Và người dân có trách nhiệm bảo vệ các sản phẩm du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa. Thông tin tuyên truyền giúp người dân hiểu rằng họ làm tốt nhất để du khách đến Quảng Ngãi nhiều hơn.
Vinh Thông/VOV miền Trung