Những bước đi đầu tiên
Thực tế, thiết kế sáng tạo có mặt ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực văn hóa. Mặc dù, thành phố chưa có cơ chế để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, chuyển hóa nguồn lực văn hóa cho sáng tạo nhưng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã năng động đầu tư, thực hiện các hoạt động sáng tạo, phục vụ đời sống xã hội. Hình thức sáng tạo phong phú, có thể là một không gian sáng tạo, một sự kiện văn hóa, một sản phẩm hàng hóa sáng tạo. Các hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích về vật chất, tinh thần cho người dân Thủ đô mà nó còn gia tăng giá trị cho chính các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội theo hướng bền vững.
Có thể nhận thấy, ngay tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đơn vị quản lý tại đây đã phối hợp với các tổ chức khác để sáng tạo ra nhiều hoạt động và sản phẩm văn hóa ý nghĩa. Nếu mấy năm trước, khu vực hồ Văn của Di tích chỉ là nơi cho người dân tập thể dục, nay biến thành không gian hoạt động văn hóa, trưng bày các sản phẩm văn hóa, tổ chức hoạt động thư pháp, hoạt động trải nghiệm cho thiếu nhi. Khu vực nội tự thường xuyên tổ chức các hội thảo, triển lãm văn hóa và đang xây dựng sản phẩm du lịch đêm. Sản phẩm du lịch đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được kỳ vọng thu hút đông du khách bởi tính sáng tạo, độc đáo.
Tại một số nhà máy cũ ở Hà Nội, thay vì phá bỏ, giới sáng tạo đã biến hóa thành các không gian sáng tạo. Thành công của tổ hợp Complex 01 ở Sơn Tây (quận Đống Đa), tổ hợp 282 Design ở Phú Viên (Long Biên), Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hoàn Kiếm)… là minh chứng cho thành công ban đầu từ việc khai thác các di sản công nghiệp cho sáng tạo. Những không gian này đang trở thành điểm đến của một bộ phận giới trẻ Hà Nội, từ chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp, trưng bày, triển lãm…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, sự chủ động của giới sáng tạo đã tạo động lực để Hà Nội chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế, góp phần không nhỏ vào việc tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa, tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa phong phú. “Chúng ta đang tìm kiếm giải pháp để khai thác các cơ hội vàng, đặc biệt là từ nguồn tài nguyên văn hóa phong phú. Hà Nội có 8 trụ cột tài nguyên văn hóa là di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng, các giá trị bản sắc và danh nhân văn hóa… đều có khả năng phát huy tốt” – bà Nguyễn Thị Thu Phương cho hay.
Thúc đẩy hợp tác công tư
Các nhà quản lý cũng như giới sáng tạo đều cho rằng, Hà Nội cần xác định sáng tạo như một động lực phát triển bền vững để xây dựng những giải pháp hiệu quả nhằm chuyển hóa nguồn lực văn hóa cho sáng tạo. Quá trình thực hiện cần có sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân. Để tạo sự chuyển hóa, thành phố cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn. Hơn cả là, hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, đầu tư phát triển hạ tầng khoa học công nghệ và triển khai quyết liệt 6 sáng kiến của Hà Nội cam kết với Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Các chuyên gia cho rằng, thành phố cần ươm mầm các ý tưởng phát triển tài năng thiết kế sáng tạo, tạo dựng hạ tầng cho hoạt động thiết kế sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống…
Cũng đề cập đến việc chuyển hóa nguồn lực văn hóa cho sáng tạo, nhiều người cho rằng, thành phố cần quan tâm đến hợp tác công tư trong việc đầu tư, thực hiện các hoạt động sáng tạo. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia Việt Nam, thành phố Hà Nội cần có cơ chế, tạo cú hích để biến các nguồn lực thành động lực phát triển. Hiện nay, hình thức hợp tác công tư trong văn hóa là xu thế tất yếu của thế giới. Còn tại Việt Nam, sở hữu tư nhân về văn hóa đang được thừa nhận. Vì vậy, hợp tác công tư sẽ là hình thức tốt nhất cho hoạt động sáng tạo. Về lâu dài, xã hội hóa hoạt động sáng tạo dựa vào chính tư nhân, còn Nhà nước sẽ tạo cơ chế, môi trường hoạt động.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê khẳng định, hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa chính là chìa khóa huy động nguồn lực khối tư nhân. Theo ông Lê Quốc Vinh, Hà Nội cần có một quy hoạch cụ thể và hấp dẫn trong lĩnh vực văn hóa, tạo cơ sở cho khối tư nhân nghiên cứu, phát triển dự án.
Lấy ví dụ cụ thể, từ khi Trung tâm triển lãm Giảng Võ bị dở bỏ, trung tâm triển lãm mới ở huyện Đông Anh chưa được xây dựng, các chương trình triển lãm tầm cỡ chỉ có thể tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu tổ chức ở Hà Nội phải chen chúc trong khuôn viên chật hẹp của Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô. Những người tổ chức triển lãm, sự kiện tin rằng, một khu phức hợp triển lãm và hội nghị mang tầm cỡ quốc tế tại Hà Nội sẽ là một nguồn thu rất lớn và cũng là tâm điểm phát triển văn hóa, nhưng đến nay chưa có cơ chế để kêu gọi đầu tư. Nếu chỉ kêu gọi đầu tư chung chung sẽ không có nhiều doanh nghiệp quan tâm, trừ khi Nhà nước có một cam kết mạnh mẽ hơn với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể hơn. Cam kết đó phải được cụ thể hóa bằng một quy hoạch chi tiết với danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư.
Hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa không nhất thiết phải là những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng đất đai. Với lĩnh vực quản lý, khai thác di sản hoặc bảo tồn văn hóa bản địa hoàn toàn có thể mời các nhà đầu tư có kinh nghiệm mang lại sức sống mới, hiện đại hơn, sáng tạo nhiều sản phẩm văn hóa hấp dẫn khách du lịch hơn.
Sau khi trở thành Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo. Tìm các giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực văn hóa cho sáng tạo sẽ còn tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, song để hiện thực hóa được những giải pháp này thì sự quyết định sẽ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng cùng cộng đồng sáng tạo của thành phố.
VOVTV/TTXVN
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...