Khách du lịch tham quan di tích trong tour du lịch 'Huế - một điểm đến 5 di sản'. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Qua hơn 25 năm, kể từ khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Khu di tích cố đô Huế là Di sản Văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam, công tác bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt được những kết quả quan trọng, hiện tại đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Kho tàng di sản
Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, miếu đường, lăng tẩm cùng với những Di sản Văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú.
Đến nay, hàng trăm công trình di tích lớn nhỏ của kinh thành Huế xưa đã được trùng tu, tiêu biểu như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Duyệt Thị Đường, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, hệ thống Trường lang, lầu Tứ Phương Vô Sự và nhiều công trình tại các lăng tẩm của các vua như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định… Những kết quả trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã góp phần hồi sinh diện mạo ban đầu của Cố đô xưa, tạo nền tảng cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phát triển.
Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể của Cố đô Huế cũng rất phong phú và đa dạng. Thời gian qua, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên chủ yếu được xác định trong phạm vi văn hóa cung đình thời Nguyễn, gồm Thơ văn trên kiến trúc cung đình, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, múa hát cung đình, lễ hội cung đình, tuồng Ngự, ca Huế...
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên-Huế cho biết Nhã nhạc cung đình Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại và cũng là di sản văn hóa thế giới phi vật thể đầu tiên tại Việt Nam (tháng 11/2003), sau này gọi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó đến nay, các đơn vị chức năng đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn nhiều tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa sưu tầm nghiên cứu vừa tổ chức dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu; nghiên cứu dàn dựng 2 vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ lễ hội, giao lưu văn hóa nghệ thuật…
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nghiên cứu phục hồi thành công một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như Lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ Truyền lô-Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh Tiến sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sỹ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình, Văn hiến Kinh kỳ...
Tuy nhiên, Thừa Thiên-Huế vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của “kho tàng di sản” này để phát triển du lịch. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, Huế đón khoảng hơn 2,6 triệu lượt khách đến tham quan di tích. Tổng doanh thu bán vé tham quan ước đạt gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là những con số còn khiêm tốn so với vị thế của Huế - một trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho thấy lượng khách quốc tế đến với Thừa Thiên-Huế hằng năm hiện chỉ bằng 1/3 của Hà Nội, 1/4 của Thành phố Hồ Chí Minh và tương đương với gần 70% của Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Ngoài ra, giá trị tổng thu từ khách du lịch/lượt khách của Thừa Thiên-Huế thấp hơn so với những trung tâm du lịch khác của cả nước, qua đó cho thấy, hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch Thừa Thiên-Huế còn hạn chế.
Phát triển du lịch bền vững
Để khai thác kinh tế di sản một cách hiệu quả, theo giáo sư, tiến sỹ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Thừa Thiên-Huế nên nghiên cứu mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa. Quản lý di sản vẫn thuộc về Nhà nước nhưng việc quản trị và thu phí các điểm tham quan giao cho doanh nghiệp. Mô hình này mang lại lợi ích cho các bên và đang được áp dụng thành công ở nhiều di sản thế giới như tháp Eiffel của Pháp hay quần thể Angkor Wat của Campuchia.
Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, không nên “bảo tàng hóa” Huế một cách cực đoan hay “hóa thạch” những giá trị vốn có của di sản, mà phải chú ý đến nhu cầu phát triển hiện đại. Trải qua thời gian, thiên tai và địch họa, nhiều di tích ở Cố đô Huế nay trở thành phế tích, những bãi đất trống, việc ứng xử và sử dụng quỹ đất ở những vị trí này như thế nào cũng là vấn đề mà địa phương đang gặp nhiều vướng mắc.
Du khách tham quan Đại Nội Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Theo nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Xuân Hoa, Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam còn lại một cách có hệ thống di tích kinh đô xưa. Tuy nhiên, nhiều di tích nay đã trở thành phế tích, thậm chí có nơi bị xóa sổ hẳn trên mặt đất, khi tiến hành nghiên cứu khảo cổ, hiện trạng còn lại rất mờ nhạt nhưng đó vẫn là một phần trong hệ thống kinh đô xưa. Đối với những phế tích, không nhất thiết để trống địa điểm đó mà chấp nhận trong khi đi tìm kiếm tư liệu lịch sử để phục hồi có thể sử dụng nó hợp lý nhưng phải đặt trong tổng thể kiến trúc kinh thành Huế.
Tiến sỹ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, cho rằng những di tích đã trở thành phế tích vẫn có thể sử dụng khai thác quỹ đất khi Nhà nước chưa đủ kinh phí để trùng tu, khôi phục. Đó là những giải pháp tạm thời có tính khả thi lớn, biến những nơi này thành địa chỉ văn hóa phù hợp. Để làm được điều này, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần xây dựng được một bộ công cụ kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và khuôn khổ quy định của luật pháp.
Bộ công cụ này sẽ cung cấp thông tin về những công trình lịch sử đã từng tồn tại ở những vị trí nay là phế tích, mô hình kiến trúc phù hợp có thể xây dựng với chiều cao, chất liệu, màu sắc cụ thể qua đó kêu gọi các doanh nghiệp có ý tưởng đầu tư phù hợp. Điều này vừa tạo ra một sinh khí mới cho di tích, tránh tình trạng để hoang hóa hoặc xu hướng ngược lại là xây dựng lên những công trình mới không phù hợp với cảnh quan chung, qua đó làm phong phú thêm những sản phẩm du lịch cho du khách khi đến tham quan quần thể Cố đô Huế.
Du khách thăm quan di tích Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Thừa Thiên-Huế đang định hướng xây dựng trở thành thành phố di sản đặc thù trực thuộc Trung ương. Do vậy, địa phương cần có những cách tiếp cận mới để phát huy hiệu quả hơn nữa các giá trị di sản trên mảnh đất Cố đô gắn với phát triển du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2019, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế tiếp tục triển khai một số hoạt động, thúc đẩy đề án "Huế - Kinh đô ẩm thực" đồng thời thực hiện các nhiệm vụ của dự án sinh thái du lịch thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và phát triển du lịch địa phương.
Tỉnh đẩy mạnh liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như thị trường khách trọng điểm và tiềm năng. Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án du lịch trọng điểm vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, đưa du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2019, ngành du lịch Huế đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 4,5-4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40-45%), doanh thu du lịch phấn đấu đạt từ 4.700-4.900 tỷ đồng./.
Theo Vietnam+
Quần thể Di tích Cố đô Huế tập hợp các công trình kiến trúc đồ sộ, nằm rải rác trên địa bàn rộng với nhiều...
Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Tu bổ, tôn...
Tỉnh Thừa Thiên Huế miễn phí tham quan đối với công dân Việt Nam khi tham quan các điểm di tích thuộc Quần...
Trong 2 ngày 26 và 27/7, Chương trình Trại hè Việt Nam 2022 tổ chức một số hoạt động tại thành phố Huế, tỉnh...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế có...
Ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hợp tác, xúc tiến khai thác thị trường khách Thái Lan đến Huế bằng...
Tối 30/6 tại Cồn Dã Viên, đêm gala giã bạn “Chào Huế!" khép lại tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2022 - “Di...
Tuần lễ Festival Huế 2022 chủ đề "Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển" đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong...
Tối ngày 27/6, trong không gian di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chăm Phú Diên, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên...
Tuần lễ Festival Huế 2022 diễn ra từ 25 đến 30/6 đang mang đến cho cộng đồng, du khách những trải nghiệm thú...
Nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ Festival Huế 2022, tối 23/6, tại Công viên Thương Bạc, thành phố Huế,...
Festival Huế 2022 được tổ chức với nhiều chương trình, hoạt động mang tầm quốc gia, quốc tế, dự kiến thu hút...