Cực Tây của Việt Nam là cột mốc số 0, ngã ba biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Điểm cực Tây ở bản A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu - huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên. Mọi người vẫn gọi đây chính là nơi một con gà gáy cả ba nước cùng nghe tiếng. Bạn có thể tới A Pa Chải theo hai hướng: Một là xuất phát từ thành phố Điện Biên qua Mường Chà, lên Mường Nhé rồi tới A Pa Chải; Hai là xuất phát từ thành phố Lai Châu, qua Mường Tè lên Pắc Ma, rồi sang Mường Nhé, tới A Pa Chải.
Cột mốc số 0, điểm cực tây ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc
Chúng tôi chọn cung đường chinh phục cực tây A Pa Chải bắt đầu từ thành phố Lai Châu vì muốn ngắm nhìn vẻ đẹp của núi rừng đại ngàn, đi dọc bờ dòng sông Đà “hung bạo và trữ tình”. Hành trình này rất thú vị khi qua những đoạn đường rợp hoa dại, nhất là dã quỳ vàng óng ngày đông giá.
Hoa dã quỳ ở ven đường qua Phong Thổ
Núi rừng Lai Châu hùng vĩ, tráng lệ nhưng vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Những cung đường tuy gian nan nhưng đem lại cảm giác thích thú, say mê khi may mắn gặp được khoảnh khắc hoàng hôn rực lửa, bừng lên lung linh trên miền sơn cước hoang vu.
Hoàng hôn dốc trên cung đường từ Pa Tần đi Mường Tè
Đi dọc bờ sông Đà là một trải nghiệm khó quên, đắm mình trong không gian bình yên, nguyên sơ. Gần 100 km từ thị trấn Mường Tè tới Pắc Ma, bạn sẽ được ngắm nhìn dòng sông xanh thẳm trên những núi đồi cao vút, tráng lệ. Khung cảnh đẹp như bức tranh, gần như nhà văn Nguyễn Tuân từng miêu tả trong tùy bút của mình “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.
Một đoạn bờ sông Đà từ Mường Tè sang Pắc Ma
Một hành trình dài sẽ giúp bạn khám phá ra nhiều điều mới mẻ, thú vị trên những chặng đường dài lên miền biên viễn xa xôi. Có những điểm cao như bản Tà Tổng, ngày đẹp trời xuất hiện biển mây trắng xóa. Rồi mây tan, nhìn thấy sông Đà thấp thoáng, ẩn hiện.
Biển mây nhìn từ bản Tà Tổng
Càng gần thượng nguồn, nhất là sang địa phận Nậm Lằn, sông Đà có chỗ phẳng lặng như mặt gương, có khi chỉ là dòng suối ẩn hiện trong rừng xanh thẳm.
Thượng nguồn sông Đà
Hành trình chinh phục mốc số 0, cực Tây A Pa Chải phải qua đồn biên phòng 317 – đồn biên phòng A Pa Chải. Bởi đây là vùng biên giới nên bạn phải qua sự kiểm tra rất nghiêm ngặt. Bạn cần mang theo giấy tờ tùy thân, trình báo ở đồn biên phòng, rồi lãnh đạo đồn sẽ cho một chiến sĩ dẫn nhóm của bạn lên mốc số 0.
Đồn biên phòng A Pa Chải, điểm trình báo chờ chiến sĩ dẫn đường lên mốc số 0
Từ đồn biên phòng A Pa Chải lên mốc tam giác số 0 bạn phải qua chặng đường gần 10 km. Hiện nay đường tuần tra biên giới mới được mở, đang trong quá trình thi công nên nếu đi ngày mưa sẽ rất vất vả. Cuộc hành trình ban đầu trải qua những cung đường quanh co, uốn lượn, mở ra khung cảnh kỳ vĩ, khoáng đạt và hoàn toàn có thể đi bằng xe máy.
Đến chân núi Khoan La San, bạn phải để xe máy tại điểm tập trung, bắt đầu hành trình đi bộ khoảng 3 km. Chặng đường này có một số đoạn đã đổ bê tông nhưng phần lớn vẫn là đường đất, xuyên rừng. Ngày nắng có thể cũng khá dễ đi dù có hơi dốc nhưng chúng tôi đi ngày mưa thì đường vô cùng trơn trượt, di chuyển khó khăn, vất vả.
Những đoạn đường dốc trơn trượt từ chân núi Khoan La San lên mốc số 0
Sau chặng đường đi bộ gian nan, chúng tôi tới cột mốc số 0 trong niềm vui vỡ òa, dù mưa lạnh, ướt át, quần áo đều lấm bẩn. Cột mốc số 0 là cốt mốc hình tam giác đánh dấu ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc, mỗi mặt được đánh dấu bằng một thứ tiếng tương ứng. Mốc này nằm trên đỉnh núi Khoan La San, được xây dựng bằng đá hoa cương. Hiện nay, đoạn đường cuối cùng được xây dựng thành vài trăm bậc đá tam cấp nên di chuyển lên mốc 0 khá dễ. Chúng tôi đi ngày mưa mù nên không thể nhìn thấy khung cảnh bát ngát phía sau của các nước láng giềng.
Chinh phục thành công mốc 0
Chinh phục cực Tây A Pa Chải là một hành trình thú vị, rất nhiều trải nghiệm dù có hơi vất vả, nhọc nhằn. Một chuyến đi chinh phục cực tây kết hợp với những cung đường miền núi cao đại ngàn Tây Bắc hoang vu, xa ngái, hùng vĩ mà rất đỗi thơ mộng, lãng mạn, huyền ảo sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ. Dù chọn cung đường đi từ Điện Biên hay Lai Châu thì bạn vẫn được ngắm nhìn, cảm nhận những nét đẹp rất đặc trưng của vùng biên ải, những nơi tận cùng Tổ quốc thân yêu./.
Theo VOV.VN
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ đang đặt tại tầng 2 của Bảo tàng là một trong...
Hang động Chua Ta ở bản Na Côm, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) là hang động hội tụ nhiều vẻ...
Cụ thể, trong 6 tháng đầu của năm nay, tỉnh Điện Biên đã đón hơn 331.000 lượt khách du lịch, đạt xấp xỉ cả...
Sáng nay (13/6), Ủy ban Nhân dân huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ công bố và trao Chứng nhận di sản...
Học và trải nghiệm lịch sử thời kỳ bao cấp, tem phiếu. Đây là một hoạt động rất độc đáo và bổ ích đang diễn...
Trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, lượng du khách đổ về các điểm di tích thành phần của Quần...
Sáng 12/3, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa và thông tin du lịch thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã...
Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, Lễ hội Hoa Ban từ lâu cũng đã trở...
Công tác chuẩn bị cho Lễ hội hoa Ban năm 2022 đang được tỉnh Điện Biên gấp rút triển khai, sẵn sàng cho Lễ...
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Điện Biên vừa ban hành công văn điều chỉnh lại quy mô tổ chức Lễ...