Tiếp theo “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh xuất bản tại Trung Quốc đầu năm 2019, tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tác phẩm văn học dịch bằng tiếng Việt thứ hai của dịch giả Hạ Lộ, Phó Giáo sư chuyên ngành tiếng Việt Đại học Bắc Kinh tiếp tục ra mắt bạn đọc của đất nước đông dân nhất thế giới này.
Hạ Lộ hoàn thành bản thảo lần đầu của “Số đỏ” vào năm 2018. Trong quá trình dịch, chị không chỉ thường xuyên giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu sinh, mà còn cho ra đời 2 bài viết phân tích về tác phẩm với mục đích để độc giả Trung Quốc hiểu hơn về thân thế tác giả, bối cảnh ra đời của tác phẩm và giá trị nghệ thuật hàm chứa trong đó.
Hạ Lộ là người Trung Quốc đầu tiên thử sức dịch “Số đỏ”, cô cho biết: “Tôi cảm thấy tên sách 'Số đỏ' rất hay, có thể đem đến vận may cho tôi. Nhưng đây chỉ là nói đùa thôi! Với bất kì tác phẩm nào mình dịch, tôi đều suy nghĩ rất kỹ, yêu cầu tôi đặt ra cho bản thân là nhất định phải dịch tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam. Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm, tác giả văn học Việt, muốn dịch cũng rất nhiều, nhưng thời gian và sức lực có hạn, chỉ có thể ưu tiên chọn dịch một vài tác phẩm ưu tú nhất. 'Nỗi buồn chiến tranh', 'Số đỏ' cũng là tác phẩm như vậy".
Là đơn vị chuyên xuất bản sách văn học nghệ thuật duy nhất ở miền Tây Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên đã nhanh chóng phát hiện được giá trị đạt đến độ đỉnh cao về nghệ thuật trào phúng của tiểu thuyết này. Và “Số đỏ” đã trở thành tác phẩm đầu tiên được chọn cho dự án “Ngôi nhà Thủy tinh” (Glass House) chuyên giới thiệu tác phẩm văn học các nước Đông Nam Á của họ.
Ông Châu Dật, Trưởng phòng biên tập văn học nước ngoài của Nhà xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên, cũng là Giám đốc xuất bản cuốn “Số đỏ” cho biết: “Thực ra độc giả Trung Quốc rất tò mò về các tác phẩm văn học Việt Nam. Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn của Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và văn hóa Việt Nam vì vậy ông cũng là nhà văn đầu tiên lọt vào danh sách dự án của chúng tôi".
Theo ông Châu, dù mới xuất bản, nhưng phản hồi của các chuyên gia, học giả, nhà báo, nhà văn tiếng tăm ở Trung Quốc về cuốn sách đều rất tích cực, họ “đánh giá rất cao nghệ thuật châm biếm sâu cay, sự quan sát sâu sắc đối với sinh thái xã hội và phong tục tập quán của nhà văn Vũ Trọng Phụng và đã hiểu vì sao ông được mệnh danh là Balzac của Việt Nam”.
Tăng Gia Tuệ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, từng biết đến văn học Việt qua “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh hay “Cảm tình viên” (The Sympathizer) của Nguyễn Thanh Việt, nhưng với cô “Số đỏ” là một câu chuyện rất khác của những năm 1930.
“Thật khó tưởng tượng vào những năm 30 lại có một tiểu thuyết trào phúng châm biếm đến vậy. Có lúc đọc bạn thậm chí hoảng hốt rồi chợt hỏi đây là chuyện những năm 30 hay hiện tại? Cuốn tiểu thuyết này cũng rất có tính đại diện cho châu Á, ngôn ngữ cuốn sách rất khác. Tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết châm biếm nhưng đây là lần đầu tiên đến với tiểu thuyết này của Việt Nam. Trong đó ngôn ngữ nói được sử dụng với số lượng lớn, xen lẫn cả rất nhiều tiếng Pháp. Qua phần dịch của dịch giả Hạ Lộ có thể thấy sự biến hóa của ngôn ngữ là rất lớn".
Để “Số đỏ” được đón nhận và khẳng định tại Trung Quốc, đặc biệt về mặt ngôn ngữ, những nỗ lực của dịch giả Hạ Lộ là không thể phủ nhận. Cô cho biết mình lần đầu tiên biết đến cái tên Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông là vào khoảng mùa Thu năm 1996, khi mới học tiếng Việt được hơn 2 năm. Vốn là một cô sinh viên yêu văn học, khi thấy một người bạn Việt nói rằng: “Đã có quá nhiều những nghiên cứu về tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng”, cô quyết định sẽ tìm đọc những cuốn tiểu thuyết của ông.
Năm 2000, khi đã trở thành một nhà nghiên cứu, Hạ Lộ được sang du học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ngay ngày hôm sau đặt chân đến Hà Nội, chị đi dạo hồ Gươm và bất ngờ phát hiện hiệu sách nào cũng bày bán “Số đỏ”. Chị đã mua một cuốn về đọc và chẳng hiểu gì.
Thế nhưng khi được tham gia hệ đề tài Dịch và Nghiên cứu tác phẩm văn học hiện đại và đương đại Đông Nam Á của Đại học Bắc Kinh năm 2016, sau khi được phụ trách chọn dịch và nghiên cứu một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam, chị đã nghĩ ngay đến “Số đỏ”, bởi đây là tác phẩm nổi tiếng lại không quá dài, trong khi năng lực của chị đã được khẳng định trước đó qua “Nỗi buồn chiến tranh”, một tác phẩm không hề dễ chuyển ngữ.
Hạ Lộ nhớ lại hai năm trăn trở dịch “Số đỏ”: “Việt Nam có câu 'Tưởng không khó mà khó không tưởng', điều này rất đúng với việc dịch 'Số đỏ' của tôi. Trung Quốc lại có câu nói 'Phong quang tại hiểm phong' (cảnh đẹp nơi núi hiểm), do vậy tôi thích thử sức với những vấn đề khó. Khi giải quyết được mình sẽ có được cảm giác thành công".
Trong quá trình dịch “Số đỏ”, điều khó quên nhất với cô là nhận được rất nhiều sự giúp đỡ động viên của bạn bè Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt khi đó là mùa Xuân năm 2020 Trung Quốc vừa bùng phát dịch Covid-19, ngày nào cô cũng ở nhà sửa bản thảo và thường xuyên trao đổi với các bạn Việt Nam qua Internet.
Cô chia sẻ: “Họ đã giúp tôi rất nhiều. Trong quá trình này, tôi đã học được rất nhiều kiến thức, tình bạn giữa chúng tôi cũng càng sâu sắc hơn, điều này giúp tôi giảm bớt lo âu, sợ hãi về dịch bệnh".
Có một nhà văn Trung Quốc nói với Hạ Lộ, ông vừa đọc xong “Số đỏ” và cảm thấy ngôn ngữ của cuốn tiểu thuyết rất sinh động, đặt trong bối cảnh hiện nay cũng không lỗi thời. Ông còn đánh giá cao về tầm cao nghệ thuật trào phúng của tiểu thuyết, cho rằng nó không kém cạnh, thậm chí còn vượt cả nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc.
Còn theo ông Châu Dật, tiếp theo “Số đỏ” với lần phát hành đầu tiên là 5.000 cuốn, Nhà xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên đang thẩm duyệt Tuyển tập tiểu thuyết đương đại Việt Nam, tập hợp tác phẩm của một số nhà văn như Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư... đồng thời lên kế hoạch xuất bản thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Bích Thuận - Đinh Tuấn - Tuấn Đạt / VOV Bắc Kinh
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...
Độ tuổi người tiêu dùng các nhãn hiệu cao cấp tại Hàn Quốc ngày một trẻ hóa khi hàng loạt thần tượng K-pop...