Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp khác nhau của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và phê bình tác phẩm, tác giả văn học Việt Nam hiện đại. Các ý kiến tham luận đều chỉ ra rằng, thông tin liên quan đến văn học đang ngày càng mở rộng về quy mô đa dạng về loại hình của công chúng hiện nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và giới nghiên cứu, giáo dục đang triển khai hàng loạt những chương trình, đề án lớn có liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, đặc biệt là văn học Việt Nam hiện đại.
PGS.TS Nguyễn Trọng Thưởng – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng cần quan tâm đến ba vấn đề đó là: Nhân thân tác giả; Tư tưởng chính trị; Gía trị nghệ thuật. Trong đó tiêu chí về nhân thân tác giả là vấn đề vướng mắc, khó khăn nhất để chọn lựa.
PGS.TS Nguyễn Trọng Thưởng – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương
Một số ý kiến cho rằng, cần phải dựa vào giá trị chân, thiện, mỹ để chọn lựa. Tuy nhiên, chân – thiện – mỹ lại là những tiêu chí hết sức mơ hồ. Giáo sư Hà Minh Đức lấy dẫn chứng về lời dạy của Bác Hồ về một tác phẩm văn học, đó là, một tác phẩm văn học phải miêu tả cho hay, cho chân thực và cho hùng hồn. Vì vậy, một tác phẩm nếu chỉ đầy đủ chân – thiện – mỹ nhưng không hay thì không đạt yêu cầu.
Giáo sư Hà Minh Đức: “ Một tác phẩm phải đầy đủ chân – thiện – mỹ và hay”
Một số nhà nghiên cứu đưa ý kiến, vấn đề lựa chọn tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại phục vụ cho việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu, lý luận, phê bình hiện nay là vấn đề hết sức “ngổn ngang”. Để có những lựa chọn đúng đắn cần phải nhìn nhận qua từng giai đoạn lịch sử và phải quan tâm đến “gia tốc lịch sử”.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Ngay cả ở bậc Đại học, thực tế cho thấy rằng việc triển khai các hoạt động xây dựng chương trình, giáo trình; triển khai hoạt động đào tạo, nghiên cứu cũng gặp phải những vướng mắc không nhỏ trong việc lựa chọn một hệ thống tác giả, tác phẩm mang tính chuẩn mực, làm căn cứ để xác lập những nội dung nghiên cứu và giảng dạy.”
PGS.TS Phạm Xuân Thạch -Chủ nhiệm Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Cùng với đó cần phải quan tâm đến mục đích trước khi đưa ra tiêu chí chọn lựa. Mục đích lựa chọn tác phẩm, tác giả để giảng dạy hoàn toàn khác so với tiêu chí chọn lựa để đưa vào chuyên đề, chuyên luận. Tuy nhiên, trong các tiêu chí, không thể không xét đến tiêu chí về tư tưởng của tác giả, tác phẩm. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cần cân đối tác giả, tác phẩm một cách cẩn trọng. Tiêu chí gắn tác giả, tác phẩm với tiến trình lịch sử của đất nước, gắn với dân tộc, lịch sử là điều quan trọng nhất.
Một số ý kiến cho rằng, tiêu chí “tinh thần dân tộc, nhân văn” phải là tiêu chí đầu tiên. Các tác giả, tác phẩm được lựa chọn phải là những tác giả, tác phẩm quan tâm đến công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Do đó, tác giả, tác phẩm nào ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì cần phải được xem xét ghi nhận và tôn vinh. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, yêu nước là phạm trù lịch sử, do đó cần phải nhìn nhận phạm trù này một cách hết sức khách quan vì mỗi giai đoạn khái niệm yêu nước thay đổi khác nhau. Vì vậy, nếu đặt tiêu chí yêu nước thì cần phải hết sức thận trọng. Cùng với đó, cần phải xây dựng một định hướng rộng trong tiêu chí lựa chọn tác giả, tác phẩm. Tiêng tiêu chí về học tập và giảng dạy thì phải chặt chẽ trong hệ phổ thông. Đối với hệ đại học thì phải rộng mở để các em phát triển tư duy nghiên cứu, khả năng tự luận trong học tập.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sau khi xây dựng các tiêu chí, khi lựa chọn các tác giả, tác phẩm nên theo phương pháp bỏ phiếu.
Kim Hiền/Vietnam Journey