Cảnh đẹp thơ mộng đôi bờ sông Son phù hợp để làm du lịch cộng đồng
Trưa nắng, căn nhà gỗ 2 gian 3 chái bên cánh đồng lúa của anh Hoàng Nhật, ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình rộn ràng tiếng nói cười. Trước đây, anh Nhật từng vào rừng Phong Nha tìm gỗ huê, gỗ trầm. Từ khi Phong Nha thành địa chỉ du lịch nổi tiếng, anh Nhật chuyển sang làm thợ chụp ảnh dạo. Học bồi được dăm ba câu tiếng Anh, tiếng Pháp, anh Nhật bàn với vợ vay tiền làm Homestay.
Theo anh Nhật, du khách thường say đắm trước cảnh sắc thiên nhiên còn hoang sơ nơi quê mình: "Khách Tây về đây đa số đều thích ở với người dân, khách sạn, nhà nghỉ họ không thích vì ồn ào. Họ muốn hòa đồng với người dân, trải nghiệm cuộc sống dân dã nơi đây. Họ trải nghiệm việc làm nông, cày bừa hoặc chăn trâu, bò."
Các bạn nhỏ khám phá trải nghiệm công việc làm vườn của người nông dân Quảng Bình
Quảng Bình là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch. Nơi đây được thế giới biết đến với Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hai lần được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên thế giới, hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Với hơn 400 hang động kỳ vĩ dưới lòng đất, Quảng Bình còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: chùa Non, núi Thần Đinh, vũng Chùa - đảo Yến, Khe Nước lạnh, hồ Bàu Sen, Bàu Tró…
Chị Lê Thị Bích, Giám đốc Công ty Le Mittchel ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch là một trong những người tiên phong làm du lịch cộng đồng. Từng đi nhiều nơi, chị Bích thấy không nơi đâu thiên nhiên bình dị như ở quê mình. Bình quân mỗi ngày, gia đình chị đón tiếp hàng trăm lượt khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng. Du khách trực tiếp ra đồng chăn vịt, gặt lúa, xay lúa với bà con. Sau buổi trải nghiệm, cả khách Tây lẫn ta nhảy ùm xuống sông quê tắm mát.
Các du khách nhí trồng rau với người dân địa phương
Chị Bích hướng dẫn cho nhiều bà con mở Homestay, cách đặt phòng nghỉ trên mạng và tặng bản đồ cho du khách. Theo chị, các phong tục tập quán, lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số như Bru - Vân Kiều, Sách, Mày, Rục và Arem... rất thích hợp để đưa vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
“Chúng tôi xây dựng du lịch cộng đồng với mục đích để khách du lịch tới đây không phải nhàm chán, khách được trải nghiệm, chia sẻ và khám phá để quảng bá đến các nước bạn. Ở Phong Nha rất đơn sơ, mộc mạc, cảnh sống của người dân vẫn bình thường, người đi chăn trâu, đi gặt lúa. Cảnh đẹp tự nhiên chưa bị phá vỡ bởi hệ thống du lịch hiện đại. Với ước nguyện của chúng tôi là xây dựng du lịch bền vững trong tương lai và giữ gìn môi trường” - chị Bích chia sẻ.
Du lịch cộng đồng không chỉ nở rộ ở các xã Hưng Trạch, Sơn Trạch, Cự Nẫm… gần trung tâm Phong Nha, trái tim du lịch của Quảng Bình mà còn lan rộng ra ở xã miền núi Tân Hoá, huyện Minh Hoá, làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, bà con đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư homestay. Mỗi giường ngủ, phòng nghỉ đảm bảo sạch sẽ, an toàn, phục vụ ăn uống tại chỗ cho du khách tham quan.
Ẩm thực địa phương níu chân du khách
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, chính nét văn hoá của người dân từng vùng miền đã tạo nên sức hút, đặc trưng của mô hình homestay ở Quảng Bình. Theo ông Hồng, các làng nghề truyền thống như làng nghề chằm nón, đan lưới, làng bánh tráng, làng rượu ngô được phục hồi, thể hiện bản sắc văn hoá riêng biệt.
“Sau khi có chính sách phát triển du lịch của tỉnh bà con đã thay đổi được nhận thức, từ đó bà con chuyển đổi sang hoạt động phục vụ du lịch. Từ đó bà con có thu nhập ổn định, bà con rất phấn khởi. Huyện chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền về cách ứng xử, văn hóa. Đặc biệt Phong Nha là du lịch trong lòng nông thôn nên vấn đề về môi trường được huyện đặc biệt quan tâm” - ông Hồng cho biết.
Du khách đẹp xe thưởng ngoạn cảnh quê
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, du lịch cộng đồng giúp bạn bè quốc tế khám phá, hiểu biết thêm về mảnh đất và con người Quảng Bình kiên cường trong chiến tranh, thân thiện trong thời bình. Ngoài thế mạnh là du lịch hang động, du lịch cộng đồng ở Quảng Bình đang thu hút lượng lớn du khách về lưu trú. Chính quyền địa phương hỗ trợ các gia đình làm homestay, farmstay mỗi hộ từ 25 - 30 triệu đồng. Vào cao điểm mùa du lịch, trung bình mỗi hộ kinh doanh loại hình du lịch này, thu nhập từ 20-30 triệu đồng/ tháng. Theo ông Đặng Đông Hà, đây là ngành công nghiệp không khói nên tỉnh chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Hà cho hay: “Nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề du lịch. Chúng tôi làm thường xuyên bằng nhiều cách tuyên truyền, vừa quảng bá hình ảnh, tự hào về địa phương, cách đối xử, ứng xử mến khách, lịch sự. Cố gắng một người dân trở thành một hướng dẫn viên thân thiện với du khách. Phát huy các giá trị về văn hoá, lịch sử, làng nghề truyền thống, để gắn du lịch gần với người dân”.
Thanh Tuấn/VOV miền Trung