Vào Bàu Sấu xem cá sấu
Vườn Quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước). Bàu Sấu là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi đến Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nơi đây có rất nhiều cá sấu xiêm, loài sấu đặc hữu của Đông Nam Á. Trực tiếp bơi xuồng xem cá sấu giữa thiên nhiên là một trải nghiệm đầy thú vị.
Bàu Sấu là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi đến Vườn Quốc gia Cát Tiên
Nhưng để tới được Bàu Sấu không hề đơn giản, thử thách sẽ là 9km đường xe chạy và… cuốc bộ 5km đường rừng. Dĩ nhiên, đó không phải là một con đường bằng phẳng, mà là một con đường mòn xuyên rừng rậm, ngoằn ngoèo, lởm chởm đá núi lửa, những rễ cây khổng lồ thình lình sà xuống ngay trên đầu hoặc những thân cây đổ chắn ngang đường đi. Cho đến khi Bàu Sấu hiện ra trước mắt…
Hút hết tầm mắt là cả một vùng không gian xanh mát, là bàu nước trong lành, là rừng xanh thẳm, hơi sương mờ mờ, là tiếng chim hót, tiếng vượn hú, dế kêu… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh long lanh, tráng lệ và đầy sống động giữa thẳm xanh núi rừng.
Đón chúng tôi là anh Phạm Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên). Biết chúng tôi tò mò về cá sấu, nên chỉ vừa chào hỏi xong, anh Tuấn đã dẫn chúng tôi đi xem cá sấu và nói về cá sấu.
Từ trên bờ có thể dễ dàng nhìn thấy những con cá sấu với lớp da đầy gai nhọn hung dữ bơi chậm chạp giữa bàu, phần đầu và 2 con mắt nhô lên khỏi mặt nước; trên bờ những con sấu con phơi mình giữa những thảm cỏ, rồi giật mình lao xuống nước khi có người tới gần.
Với diện tích mặt nước lên tới hơn 2.500ha vào mùa mưa và từ 100 - 150ha vào mùa khô, nơi đây vốn được biết đến như là thiên đường của loài cá sấu nước ngọt với số lượng nhiều không đếm xuể, sấu nhiều đến mức từng được ví như “muỗi trong lu”. Nhưng do nạn săn bắt không kiểm soát, đến năm 1996, các nhà bảo tồn đã phải đau đớn thừa nhận rằng: Cá sấu ở Bàu Sấu đã hết.
Cán bộ kiểm lâm Bàu Sấu - những người thầm lặng sống, cần mẫn làm nhiệm vụ giữ rừng
“Mãi đến năm 2001, dự án phục hồi đàn cá sấu của Vườn quốc gia Cát Tiên đã tìm kiếm nguồn và thả các cá thể cá sấu nước ngọt thuần chủng cùng họ với loài cá sấu đã tồn tại trong Bàu Sấu trước đây. Sau 5 đợt thả tổng cộng 60 con xuống Bàu Sấu, tất cả đã thích nghi với môi trường mới, một số con cái đã đẻ trứng và xuất hiện rải rác cá sấu con. Đến nay, trong bàu đã có khoảng 300 cá thể từ con trưởng thành đến cá sấu con. Nên có thể khẳng định, cá sấu trong Bàu Sấu đã được phục hồi”, anh Tuấn cho biết.
Đêm xuống, từ trên nhà sàn của trạm kiểm lâm, phản chiếu ánh đèn pha rọi xuống mặt bàu là những đốm sáng như sao trời, đó là những con mắt cá sấu, gợi nên ký ức về một thời loài sát thủ đầm lầy làm bá chủ, reo rắc sự kỳ bí, rùng rợn, cũng là để khâm phục những nỗ lực tái tạo thiên nhiên của con người.
Thầm lặng giữ rừng
Vào Bàu Sấu xem cá sấu, hòa mình vào thiên nhiên kỳ vĩ, trong lành, đôi khi người ta mải tận hưởng mà quên mất những cống hiến của kiểm lâm nơi đại ngàn xanh thẳm - những người thầm lặng sống, cần mẫn làm nhiệm vụ giữ rừng. Họ là những cán bộ kiểm lâm Bàu Sấu.
“Trụ sở” của Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu là một khu nhà nhỏ làm bằng gỗ theo kiểu nhà sàn sát bên mặt bàu. Mùa mưa, nước dâng lên mấp mé sàn nhà. Trạm có 5 người đàn ông nhưng mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ, rất nhiều sách và vật dụng cá nhân thì tối giản. Giữa rừng, sóng điện thoại không có, nguồn điện mặt trời chỉ đủ chiếu sáng mấy bóng đèn leo lét…. Thiếu thốn đủ bề, nhưng những kiểm lâm viên ở đây vẫn sống lạc quan và không kém phần thú vị.
Khi chúng tôi tới vào buổi chiều hôm trước, muốn nghe kiểm lâm kể chuyện, anh Tuấn trạm trưởng nói có lẽ chúng tôi không được may mắn cho lắm, vì ở trạm chỉ có mình anh, còn những người khác đều đang đi tuần rừng dài ngày. Chúng tôi quyết tâm chờ tới sáng hôm sau, hy vọng gặp được những kiểm lâm đi rừng về, vừa tranh thủ trải nghiệm một đêm giữa rừng già.
Vào Bàu Sấu để xem cá sấu
Sáng hôm sau, gần 10h, khi quỹ thời gian sắp cạn, chúng tôi chuẩn bị tư trang quay trở ra, thì từ phía xa xa giữa bàu nước, một chiếc thuyền nhỏ xuất hiện, nhẹ nhàng rẽ nước tiến vào bờ. Giữa ánh mặt trời dịu nhẹ chưa vượt qua đỉnh núi, giữa sương sớm mờ ảo, giữa mênh mang sóng nước, hình ảnh con thuyền hiện ra thật đẹp, vẻ đẹp không chỉ là sự hoang sơ man dại của thiên nhiên kỳ vĩ, mà đã trở nên hữu tình khi có sự xuất hiện của con người…
3 người đàn ông tiến gần vào bờ trên chiếc xuồng nhỏ, bộ đồ rằn ri mặc đi rừng đã ướt sũng, nước lẫn mồ hôi. Thấy chúng tôi chạy tới hỏi han, chụp ảnh, các anh cười hiền, chào hỏi rồi vội xin phép đi tắm rửa, vệ sinh. “3 ngày ở trong rừng rồi, hôi lắm!”, một anh kiểm lâm có nét mặt hiền khô nhưng toát lên vẻ dạn dày sương gió cười cười.
“Ở đây chắc sống thọ thêm được vài năm! Giữa rừng, cảnh đẹp, người ít, lại không khí trong lành thế này cơ mà!”, câu tếu táo đầu tiên các anh chào khách, dù rằng họ vừa trải qua 3 ngày ăn rừng, ngủ rừng. Bữa cơm được dọn ra với món cá rôi mùi, loài cá đặc hữu ở Bàu Sấu, khá giống với cá rô phi là món thường ngày ở trạm, vì cá rất nhiều, dễ bắt. Món gì ăn nhiều thì cũng ngán, nhưng giữa rừng thiếu thốn, với các anh như thế đã là đủ đầy.
“Đùa cho vui thế, chứ kiểm lâm vất vả lắm. Mỗi lần anh em đi tuần rừng, ăn dầm nằm dề trong rừng vài ngày, có khi cả tuần cũng chưa ra khỏi. Trên người vác theo tư trang hàng chục ký chẳng khác gì bộ đội hành quân. Chưa kể trong rừng nhiều mối nguy hiểm, đường đi không có, đá núi lởm chởm, phải phạt rừng mà đi, không cẩn thận là trật khớp, rồi ong rừng, thú dữ rình rập... Ngày đi tuần, cơm thì có lương khô, rau thì có rau rừng. Yên tâm, rừng sẽ cho ta tất cả!. “Kể khổ”, nhưng vẫn bằng giọng tếu táo, câu chuyện đi rừng của anh kiểm lâm Nguyễn Văn Tới đầy lạc quan, yêu đời.
Ở trạm Bàu Sấu, 5 kiểm lâm phải quán xuyến 4.200ha rừng, nếu chia trung bình thì mỗi người 840ha. Những năm gần đây, do rừng được quản lý chặt, nạn chặt phá rừng, săn bắt trái phép cũng giảm dần, ý thức người dân cũng được nâng lên, xung đột ở rừng không còn. “Nhưng anh em chúng tôi một phút cũng không dám lơ là, nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng được anh em thực hiện nghiêm túc, mọi dấu hiệu vi phạm đều được chúng tôi ghi nhận đầy đủ để xử lý sớm, không để bất cứ vụ vi phạm rừng cấm nào diễn ra”, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu Phạm Văn Tuấn khẳng định.
Một tháng về nhà một lần, còn lại là ở rừng, sống chết với rừng, cái “lệ” của kiểm lâm ở đâu cũng vậy. Giữa Bàu Sấu tuyệt đẹp, những người kiểm lâm thầm lặng làm nhiệm vụ của mình, những nụ cười, những câu nói vui vẻ thường trực trên môi, nhưng đằng sau đó là sự cực nhọc, vất vả và cả hiểm nguy mà các anh phải đối mặt hằng ngày, giữa chốn rừng thiêng nước độc./.
“Chúng tôi một phút cũng không dám lơ là, nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng được anh em thực hiện nghiêm túc, mọi dấu hiệu vi phạm đều được chúng tôi ghi nhận đầy đủ để xử lý sớm, không để bất cứ vụ vi phạm rừng cấm nào diễn ra”- Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu Phạm Văn Tuấn. |
Song Phú/Báo VOV