Nếu đất Thăng Long - Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường buôn bán tấp nập, tạo nên khu phố cổ nổi tiếng thì Nam Định có đến… 40 con phố tương tự như vậy. Đây là khu vực gồm các phố buôn bán nằm giữa sông Vị Hoàng xưa và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam của thành Nam Định.
Nhiều ngôi nhà ở Nam Định vẫn giữ nét xưa
Thành Nam.. 40 phố phường
Theo sử sách ghi lại, khi các vua chúa nhà Nguyễn cho xây thành để đóng quân, dân chúng sinh sống hai bên thành bắt đầu tập trung buôn bán, làm ăn. Dần dần cuộc sống sung túc, thịnh vượng, nhiều người làm nghề thủ công từ khắp nơi đến lập nghiệp, tạo ra các phường nghề sầm uất chỉ sau kinh đô Thăng Long và Phố Hiến (Hưng Yên). Theo thời gian, nơi bán mặt hàng nào thì được gọi là phố hàng ấy như Hàng Trai, Hàng Tiêu, Hàng Đường, Hàng Muối…
Tuy ra đời sau phố cổ Hà Nội (thời Lý - Trần) nhưng phố cổ Nam Định cũng đẹp và sầm uất không kém đất kinh kỳ. Phố cổ thành Nam là sự giao thoa giữa kiến trúc cổ điển Việt Nam, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Pháp.
Bước vào thế kỷ mới, nhiều tuyến phố đã được kéo dài, sáp nhập, đổi tên, chỉ giữ lại vài tên cổ như Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Đồng... Tuy nhiên, có một điều tôi nhận ra là diện mạo chung của phố cổ thành Nam không bị thay đổi quá nhiều so với trước kia. Nhiều căn nhà trên phố "hàng" vẫn mái ngói, quét vôi vàng và cửa sổ màu xanh lục. Vẫn có những gia đình tiếp nối bao thế hệ buôn bán, sản xuất các sản phẩm truyền thống như làm tôn, may cờ, bán bánh kẹo Sìu Châu…
Tất cả còn giữ được dáng vẻ cổ kính và in dấu phồn hoa, đô hội của những tháng ngày buôn bán trên bến dưới thuyền thuở nào. Đây là nét đặc sắc hiếm thấy mà không phải đô thị xưa nào ở Việt Nam còn giữ lại được.
Phở Nam Định ngon không thua kém phở Hà Nội
Đặc sản phở Nam Định
Phở Hà Nội nổi tiếng xưa nay và "phủ sóng" toàn quốc. Bên cạnh đó, phở bò Nam Định cũng trứ danh không kém và có lẽ chỉ thưởng thức phở bò Nam Định ở ngay trên đất này mới cảm nhận được nét đặc trưng.
Ghé quán phở Xuyến trong ngõ Văn Nhân, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự đông đúc của thực khách. Có những biển số xe từ các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Ninh Bình cũng ghé qua để thưởng thức món ăn tinh túy đất thành Nam.
Diện tích quán phở không bề thế, rộng rãi mà rất cổ kính, đúng chất của những gánh hàng phở từ xa xưa. Ngay cửa ra vào là tiếng đập hành, thái thịt lách cách nghe thật vui tai cùng khói bốc lên nghi ngút từ chiếc nồi nước dùng thơm phức. Mùi của gia vị, hành tươi, thịt bò, nước dùng lan tỏa khắp không gian tự khắc khiến bất cứ ai bước vào cũng thấy đói bụng.
Gọi cho mình một bát phở tái chín nóng hổi, tôi chậm rãi thưởng thức. Bánh phở nhỏ, mềm nhưng dai. Thịt bò chín nêm nếm vừa miệng, nước dùng trong, vị thanh ngọt của xương chứ không phải từ bột ngọt. Húp từng thìa nước, tưởng chừng mọi mệt nhọc trong cuộc sống này tan biến để từ từ nhâm nhi, thưởng thức đến tận cùng vị ngon ngọt của phở như nhà văn Nguyễn Tuân ngày nào miêu tả.
Cố tình nán lại đợi vãn khách để hỏi chuyện chị đứng bếp, tôi được biết để có một bát phở ngon, trước hết phải quan tâm đến bánh phở. Bánh phở Nam Định sợi nhỏ, được làm từ gạo tẻ đặc sản ngâm ủ, sau đó xay thành bột và tráng bánh theo lối thủ công. Kế đến là công đoạn nấu nước dùng và đó cũng là bí quyết của từng gia đình. Nước phở càng ngọt, càng trong thì phở càng ngon.
Thịt bò nấu phở phải tươi và rửa thật sạch. Ngay cả những công đoạn như luộc thịt, vớt thịt và tẩm ướp cũng là một nghệ thuật. Làm sao để thịt bò chín khi thái vẫn bảo đảm sự thơm ngon, chắc thịt, không bị bở. Thịt bò tái khi thái mỏng, nhúng và vớt ra ăn ngay vẫn mềm và giữ được độ tươi ngon.
Ngoài phở Xuyến, các bạn có thể thưởng món đặc sản Nam Định tại một số quán phở gia truyền ngon nổi tiếng như phở Đán ở phố Hai Bà Trưng, phở Tạo ở đường Điện Biên, phở cụ Tặng phố Hàng Tiện…
Bài và ảnh: Hoàng Tùng/nld.com.vn