Chùa Cổ Lễ nằm trên địa bàn thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ngôi chùa không chỉ nổi tiếng với nhiều huyền tích trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn được biết đến nhờ nét độc đáo về kiến trúc.
Điểm đặc biệt của chùa Cổ Lễ có lẽ bắt đầu bằng sự độc đáo của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa – một công trình kiến trúc được ví như đại diện cho mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa được xây dựng năm 1927. Tháp cao 32m, có 8 mặt được chạm khắc hình hoa sen nổi, đặt trên lưng một con rùa lớn, hướng mặt vào chùa. Đây được cho là một trong những công trình tháp đẹp và độc đáo nhất trong hệ thống các tháp chùa Việt Nam.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa. Ảnh: phatgiao.org.vn
Bước vào khuôn viên chùa, khách tham quan sẽ có chút ngỡ ngàng trước phong cách kiến trúc lạ mắt của chùa Cổ Lễ. Không giống với hầu hết các ngôi chùa trên cả nước, chùa Cổ Lễ thờ Phật, nhưng lại mang dáng dấp của một thánh đường Thiên Chúa giáo, với kết cấu mái vòm, và trên trần có những bức bích họa rực rỡ.
Chùa thờ Đức Thánh tổ là Thiền sư Nguyễn Minh Không. Bức tượng tạc ngài bằng gỗ trầm hương trắng là một bảo vật quý, và đặc biệt hơn là vì được giữ gìn khá thần bí, nằm trên gác cao, bao bọc bằng kính mờ, ít ai ngắm được dung nhan ngài.
Hàng bia liệt sĩ ghi công đức của các thiền sư. Ảnh: vietnamtourism.com
Nằm dọc hai bên hành lang phía sau nhà tổ là những tấm bia ghi công đức của các liệt sĩ thiền sư khoác chiến bào cứu nước. Những tấm bia khiến cho bất cứ ai đến đây cũng đều xúc động.
Chuông Đại Hồng Chung. Ảnh: dulichbuocchanvanhoa.com
Thêm một điều độc đáo và có phần kỳ lạ nữa ở chùa Cổ Lễ đó là quả chuông chưa một lần được đánh lên được gọi là Đại Hồng Chung, cao 4,2m, nặng 9000kg.
Đây là quả chuông do nhân dân quanh vùng yêu mến chùa đúc tặng. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954 chuông mới được vớt và được đặt trên bệ đá giữa hồ cho du khách tham quan từ đó đến nay.
Chùa Cổ Lễ thanh tịnh và tôn nghiêm, là nơi lưu giữ những điển tích Phật giáo gắn liền với lịch sử dân tộc, nơi kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng đầy tự hào của dân tộc.
Thu Hiền