Nét đẹp trong kiến trúc cầu Ngói
Cầu Ngói chợ Lương được xây dựng vào đời Hồng Thuận (1509 - 1515), tu bổ vào các năm 1922 và 2012. Cầu được công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia và được trùng tu, bảo quản gần như nguyên vẹn theo thiết kế ban đầu, cầu bắc ngang dòng sông Trung Giang.
Chùa Lương (hay còn gọi là chùa trăm gian) tên chữ là Phúc Lâm Tự cũng được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509 - 1515) cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả. Cầu ngói cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích.
Kiến trúc cầu ngói có vòm uốn cong mềm mại mang đậm kiến trúc cổ xưa
Toàn bộ cầu 9 gian gỗ lim bắc trên hai hàng cột đá to đẹp với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỷ mỉ với bàn tay tài hoa người thợ, trạm mộc đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu vừa cong uốn lượn mềm mại, mái ngói nam trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên, hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng khá đẹp lại đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều” (cầu xã Quần Phương). Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, dáng vẻ vừa thân thuộc vừa lộ vẻ uy nghiêm, ý nghĩa đặt 4 con nghê ở đây được câu ca dân gian hé mở: “Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.
Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, dáng vẻ vừa thân thuộc vừa lộ vẻ uy nghiêm
Để tạo thành 9 gian nhà cầu phải cần 10 vì xà cột làm theo lối kiến trúc cổ của dân tộc. Hệ thống xà dầm bố cục chặt chẽ nâng chọn 40 cột cái, cột quân, cấu kiện chủ lực của nhà cầu. Các vì kèo, 36 xà dọc, thượng lương, xà ngang. Xà máng trên, máng dưới, hệ thống hoành rui… đều được gia công tỉ mỉ, đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, khiến bộ khung vừa cong, vừa uốn lượn, khít xà ăn mộng. Mái ngói được lợp rất khéo không bị xô, không bị dột. Người thợ tài hoa xưa đã đạt yêu cầu này nhờ sáng tạo ra kỹ thuật nửa lợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp tựa con rồng đang bay.
Song hành cùng thời gian
Cầu Ngói Chợ Lương được xây dựng vào đời Hồng Thuận (1509 - 1515)
Không chỉ thu hút bởi nét trầm mặc, nơi đây vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đến tận ngày nay, điển hình là chợ phiên. Vào những ngày có số cuối là 1 và 7 theo âm lịch, dân làng đều dành thời gian đi phiên chợ Lương để mua bán hàng hóa. Chợ Lương có tất cả những giá trị truyền thống của một phiên chợ quê Bắc Bộ, người mua, người bán đều là dân địa phương, mua bán những đồ “cây nhà lá vườn”, đồ thủ công, cây giống… Phiên chợ nào cũng tấp nập người, đặc biệt nhất vẫn là phiên chợ Tết, từ người già đến trẻ nhỏ đều háo hức sắm Tết cùng gia đình.
Cầu 9 gian gỗ lim bắc trên hai hàng cột đá to đẹp với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỷ mỉ với bàn tay tài hoa người thợ
Cầu tuy trạm, khắc họa tiết hoa văn đơn giản, song thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân của khách bộ hành nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê…
Phạm Dương, theo vanhien.vn