Trải qua 4.000 năm văn hiến, những tầng trầm tích văn hóa của một đất nước được tạo nên với bao nhiêu thăng trầm lịch sử, từ chiến tranh, chia cắt cho đến thống nhất, hòa bình. Cũng trong chừng ấy chiều dài thời gian, nét văn hóa trang phục người Việt không ngừng phát triển, phù hợp với phong tục tập quán cũng như thị hiếu riêng có. Cùng với áo tứ thân, năm thân, áo dài tồn tại đến ngày nay, phổ biến, đặc trưng hơn cả.
Áo dài là trang phục mà người Việt Nam từ lâu đã luôn coi là quốc phục trong tâm thức, dù chưa có một văn bản chính thức nào quy định. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử ra đời của chiếc áo dài bắt nguồn từ năm 1744, sau khi lên ngôi ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi y phục. Chính vì thế chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài với nhiều thăng trầm.
Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài đàng trong mà vạt được xẻ thành tà áo, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó. Thói quen này được duy trì đến tận hôm nay.
Ở Huế, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh tà áo dài trên phố, khi thì bảng lảng mơ mộng, lúc lại hồn nhiên gắn với hình bóng những thiếu nữ tung tăng nhịp bước làm rộn ràng một góc phố. Có khi ở giữa khu chợ Đông Ba nhộn nhịp, thấp thoáng tà áo dài của các chị, các mẹ đang gánh gồng hàng đi cho kịp buổi chợ sáng. Tà áo cứ đung đưa theo nhịp quang gánh mải miết, tảo tần…
Áo dài tỏa sáng bên dòng Hương Giang
Tà áo dài khát khao truyền tải tình yêu, văn hóa truyền thống, phô diễn nét đẹp độc đáo từ cảnh sắc thiên nhiên của đất nước đến những hình ảnh văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và vùng đất Cố đô Huế nói riêng. Ngoài ra, tà áo dài của người con gái xứ Huế, còn có họa tiết lãng mạn, dịu ngọt như những tâm hồn các cô thiếu nữ Cố đô bâng khuâng mỗi khi chiều về, là những hoài niệm nhẹ nhàng về một mùa xưa êm đềm thanh thản. Qua đó làm toát lên nét duyên dáng, sâu lắng nền nã, một vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được.
Phụ nữ trong và ngoài nước mặc áo dài được vào tham quan các điểm di tích Huế miễn phí dịp 8/3
Tà áo dài Huế đã đề cao nét đẹp cung đình triều Nguyễn trong nét vàng son thời kỷ niệm, một chút đỏ sắc son mang hình hài mệnh phụ hay chút nâu đất trầm buồn như ai oán trước Tử cấm thành xưa. Đặc biệt, những tà áo dài với chất liệu lụa thiết tha trong dáng truyền thống luôn đem lại sự gợi nhớ quê hương cho người chiêm ngưỡng.
Ngày nay, áo dài Huế không chỉ là một trang phục thuần túy mà đã trở thành biểu tượng đặc trưng, một sản phẩm du lịch của Cố đô. Áo dài nhanh chóng trở thành món quà không thể thiếu của chị em phụ nữ khi đến thăm Huế.
Học sinh mặc áo dài đến trường ở Huế
Trước những vẻ đẹp và ý nghĩa của áo dài, vừa qua ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã viết thư vận động nữ giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn tỉnh mặc áo dài trang phục truyền thống ít nhất 3 ngày/tuần, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Huế.
Hành động này nhằm mục đích tôn vinh bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam và tạo nét đẹp trong văn hóa công sở. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định toàn thể nữ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện mặc trang phục áo dài truyền thống vào ngày thứ hai hàng tuần.
Với việc tích cực vận động phụ nữ mặc trang phục áo dài truyền thống, Thừa Thiên Huế đã tạo được hiệu ứng tích cực. Hình ảnh những tà áo dài truyền thống ngày càng lan tỏa trong các cơ quan, công sở, trường học, trên các đường phố, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của phụ nữ vùng đất Cố đô.
Phạm Dương, theo congluan.vn