Mục tiêu cụ thể của Thừa Thiên - Huế ở giai đoạn này là: Nghiên cứu, hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế; ban hành một số cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi, đặc biệt đưa di sản Bài Chòi vào giới thiệu tại trường học.
Tỉnh duy trì hoạt động các Câu lạc bộ Bài Chòi hiện đang sinh hoạt tại các huyện, thị xã và thành phố Huế; đồng thời thành lập mới hình thức này tại các địa phương nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước; gắn sinh hoạt của các Câu lạc bộ Bài Chòi với du lịch.
Tỉnh tổ chức trình diễn nghệ thuật Bài Chòi vào các chương trình Festival Huế, Festival làng truyền thống Huế và ngày lễ, Tết để giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước loại hình văn hóa độc đáo này.
Bài chòi vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chung của 9 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa). Tại Thừa Thiên - Huế, hình thức diễn xướng này tồn tại ở nhiều địa phương. Nổi bật là thú chơi Bài Chòi của người dân ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi ở Thừa Thiên - Huế không chỉ góp phần gìn giữ một sản phẩm văn hóa dân gian truyền thống, đó còn là bước đi lâu dài để thúc đẩy ngành du lịch của địa phương này ngày càng phát triển, để Bài Chòi xứng đáng là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO tôn vinh.
Theo TTXVN