Ông Nguyễn Quang Trung, Chánh Văn phòng Sở VHTT tỉnh Bình Định cho biết: Bộ VHTTDL đã có văn bản số 2439/BVHTTDL-MTNATL ngày 5/6/2019 của Bộ VHTTDL về việc thỏa thuận với Tỉnh ủy Bình Định chủ trương xây dựng phù điêu tạc vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo Sở VHTT Bình Định, bức phù điêu này có tổng chiều dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m và hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ khoảng 3.000m2… Vị trí đặt phù điêu là cổng ngõ ra vào nội thành Quy Nhơn, hướng nhìn ra cầu Thị Nại và Khu kinh tế Nhơn Hội theo hướng đông bắc.
Để triển khai dự án tại vị trí này, Sở đã mời và hợp đồng với Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đến khoan cắt, thăm dò, khảo sát. Kết quả thăm dò cho thấy, đá ở núi Bà Hỏa là đá liền khối, đủ điều kiện để điêu khắc, tạc thẳng phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” vào núi.
Phối cảnh tổng thể bức phù điêu tạc vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”
Sở VHTT Bình Định còn thông tin, phương án thi công sẽ cắt sâu vào vách núi khoảng 20 - 25m, để tạo mặt phẳng. Tác phẩm phù điêu sẽ được khắc họa theo 3 lớp, bao gồm: Lớp thứ nhất: Chính giữa bức phù điêu, ở vị trí trung tâm trang trọng nhất, chiếm 1/2 chiều cao của bức phù điêu là hình tượng cha Rồng - mẹ Tiên: Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Cha nắm tay mẹ hiền từ, mẹ mỉm cười trìu mến, tay trái mẹ khẽ đưa lên như đang nói điều gì. Sau lưng và dưới chân cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là những lớp mây, thể hiện không gian đầy chất thần tiên gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Tiên Rồng của cư dân Lạc Việt.
Dân tộc Việt Nam là sự kết hợp của cái đẹp vĩnh hằng (Tiên) và sức mạnh vạn năng (Rồng) tạo nên; Lớp thứ hai: Hai bên cha Rồng mẹ Tiên, thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương - những vị vua đầu tiên. Viết nên những trang sử huyền thoại lưu truyền cho hậu thế muôn đời. Các vua Hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của mẹ cha; Lớp thứ ba: Phía dưới thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa 1 người nam và 1 người nữ, cùng với trang phục truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, bố cục cùng nắm chặt tay nhau, thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
Nói về ý nghĩa của bức phù điêu, ông Nguyễn Quang Trung chia sẻ, đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Ngoài ra, việc hình thành tác phẩm sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa – lịch sử và kiến trúc cảnh quan đô thị và tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Quang Trung cho biết thêm, dự kiến công trình sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2020. Hiện các cơ quan chức năng đang khảo sát lập hồ sơ dự án, có con số cụ thể về kinh phí. Khi thực hiện công trình phù điêu có chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, tỉnh Bình Định sẽ có bố trí kinh phí cụ thể theo từng giai đoạn, ngoài ra dự án cũng sử dụng kinh phí xã hội hóa…
Để dự án được triển khai đúng tiến độ, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã có thông báo và giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, UBND TP Quy Nhơn và các ngành liên quan để có phương án phân luồng, tuyến vào thời gian phù hợp, từ đó đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công đào mương kỹ thuật cắt ngang đường để ngầm hóa hệ thống đường điện đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp qua đầu đường phường Đống Đa.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình phối hợp với Sở VHTT hướng dẫn và tạo điều kiện để đơn vị thi công triển khai tập kết vật tư, máy móc trang thiết bị trong quá trình thi công công trình; thực hiện đào hệ thống mương hào kỹ thuật để ngầm hóa hệ thống đường điện công trình đảm bảo, không ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông của đường sắt.
Phan Hiếu, baovanhoa.vn