Thư tịch cổ Chăm
Người Chăm là một trong 54 dân tộc thuộc thành phần dân tộc bản địa cư trú lâu đời ở miền Trung Việt Nam. Đến nay người Chăm đã đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống góp phần xây dựng và phát triển một quốc gia Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, không thể không kể đến sự sáng tạo của một nền văn minh chữ viết đặc sắc, phong phú và đa dạng của dân tộc Chăm.
Góc trưng bày thư tịch cổ và sách dạy tiếng Chăm
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm, đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận đã đem đến Triển lãm "Thành tựu Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm" những trang văn tự cổ được chép bằng tiếng Chăm hay chiếc máy đánh chữ Chăm duy nhất còn lại.
Chiếc máy đánh chữ ra tiếng Chăm duy nhất còn lại
Hiện nay, chữ viết của người Chăm không được phổ biến nhiều, tuy nhiên với nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Ninh Thuận, chữ viết của người Chăm đã được in thành sách giáo khoa giảng dạy cho các em học sinh bậc tiểu học.
Sách giáo khoa dạy tiếng Chăm
Theo Ông Hồ Sỹ Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận đã có ban biên soạn chữ Chăm, ban này tổ chức giảng dạy cho các em học sinh của đồng bào dân tộc Chăm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị chữ viết.
Thư tịch cổ Chăm
Ông Hồ Xuân Lợi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận cho rằng: Ngoài việc truyền dạy cho các thế hệ học sinh bậc tiểu học, việc số hoá chữ viết cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Trung tâm cũng đã làm việc với Trung tâm Văn hoá Quốc gia để số hoá những văn bản cổ tự nhằm phổ biến rộng rãi và việc lưu truyền được bền vững hơn.
Theo các nghiên cứu về văn bia cổ, ngay từ thế kỷ thứ IV người Chăm đã có chữ viết của mình. Tiếng Chăm có 65 ký hiệu và 24 chân ngữ bắt nguồn từ hệ thống chữ thảo của Ấn Độ. Chữ viết Chăm cũng không ngừng hoàn thiện và phát triển để ghi chép lại những trang lịch sử, văn hoá và các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc mình. Trên cơ sở của hệ thống văn tự Sanskrit này, người Chăm đã sáng tạo nên các chữ viết riêng nhằm chuyển tải ngôn ngữ tộc người của họ một cách hoàn thiện hơn.
Vũ Khuyên/Vietnam Journey