Từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, dọc theo tuyến đường 702 trên đường từ Phan Rang đi Vĩnh Hy khoảng 40 km là đến với Bãi rùa đẻ. Cắm trại đêm tại đây, tham gia vào hoạt động vì môi trường luôn là những lựa chọn thú vị trong mùa rùa đẻ, để có cơ hội chứng kiến cảnh tượng rùa biển lên đẻ trứng, đây là một trải nghiệm cực kỳ thú vị cho các bé muốn tìm hiểu thiên nhiên.
Các em nhỏ thích thú ngắm nhìn những con rùa con
Bãi rùa đẻ còn gọi với cái tên khác là Bãi Thịt với lí giải gắn liền với việc khan hiếm thực phẩm và thiếu hiểu biết về giá trị rùa biển. Bây giờ, chính nơi ấy mọc lên một ngôi nhà mái bằng xinh xinh mang tên “Trạm bảo tồn rùa bãi thịt”, nhiều loại rùa (đồi mồi, rùa da, rùa xanh…).
Mùa rùa đẻ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, cao điểm là tháng 7. Sau khi rùa đẻ, phải từ qua một thời gian dài trứng mới nở, một điểm khá thú vị là nếu trên 32 độ C thì thành rùa cái, dưới nhiệt độ ấy thì thành rùa đực. Rùa non mới nở không biết được mẹ dặn dò thế nào mà bao giờ cũng tìm đúng hướng xuống biển; đến 30 năm sau, nó được gọi là “người lớn”. Sóng gió bão bùng đẩy đi xa bao nhiêu, chúng cũng tìm về nơi chôn nhau cắt rốn nhờ hệ thống định vị dựa vào từ trường Trái đất.
Hàng năm, Bãi rùa đẻ thu hút nhiều em nhỏ tới vui chơi
Hàng năm, Bãi rùa đẻ là điểm hẹn để Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) phối hợp với Câu lạc bộ Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam tổ chức hoạt động thả rùa con ra biển. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa và có tính nhân văn cao. Hoạt động này giúp các em vừa học tập vừa vui chơi và có cơ hội tìm hiểu thiên nhiên nhằm hình thành lối sống thân thiện và yêu môi trường cho các em nhỏ, đồng thời nâng cao kĩ năng sống cho các em.
Theo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Ninh Thuận