Đó là những ngày đầu tháng 3, khi team “hành xác” chúng tôi quyết định xách balo về với mảnh đất đầy nắng, ít gió Tà Năng – Phan Dũng. Trong khi miền bắc thời tiết vẫn còn dễ chịu, thì mảnh đất này nắng như đổ lửa, thi thoảng mới có một vài cơn gió “chạy ngang” qua khiến chuyến đi của chúng tôi cũng trở nên “gấp gáp và chóng vánh” hơn…
Bắt đầu treking con đường cỏ cháy
Mùa khô cỏ cháy xém trơ trụi
Chúng tôi đáp chuyến bay lúc chiều muộn tới sân bay Liên Khương, Đà Lạt sau đó di chuyển về Tà Hine Cafe & homestay ở gần điểm đầu QL28B huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Homestay có không gian rộng rãi, khí hậu trong lành, yên bình lại nằm ngay kế hồ Đại Ninh nên có thể view cảnh hoàng hôn, bình minh rất đẹp. Đặc biệt, giá phòng cũng không đắt, chỉ 100k/người, phòng ở hai người khá riêng tư. Chúng tôi đặt ăn tối ngay tại homestay với giá bình quân 150.000đ/người. Bữa tối nhanh gọn với món lẩu gà và cá nướng rồi cả team đi ngủ để lấy sức cho một hành trình mới.
Homestay Tà Hine với vẻ đẹp yên bình
Sắc hoa màu tím biếc quyến rũ ở Tà Hine
Khoảng 5h sáng, chúng tôi bật dậy như lò xo, leo lên ban công homestay đón bình minh, mọi thứ thật trong trẻo và thuần khiết, những sắc hoa màu tím biếc cũng trở nên quyến rũ. Sau ly cafe sáng, chúng tôi lên xe oto vào bìa rừng chuẩn bị trekking. Team chúng tôi đi theo tour của một người bạn giới thiệu, lần đi này có 3 bạn porter (kiêm hướng dẫn viên & đầu bếp) hộ trợ cho team 10 người chúng tôi. Giá tour 3 ngày 2 đêm là 2.550.000đ/người.
Sau khi tới điểm tập kết đồ đạc ở xã Đa Quyn, giáp với bìa rừng, chúng tôi được phát nước uống, mỗi người một chai lít rưỡi. Porter bảo chúng tôi chấn chỉnh lại tư trang, phổ biến vài nội quy sau đó đoàn đeo balo bắt đầu cuộc “hành xác”. Chúng tôi luôn gọi vui những chuyến đi như thế này là “hành xác” bởi như các bạn thấy đấy, trong khi mọi người ở nhà chăn ấm đệm êm, chúng tôi lại leo trèo, đi phơi nắng dưới cái nóng rát của cung đường trải dài qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là cung trek đã đi vào huyền thoại với độ dài khoảng 55km qua nhiều dạng địa hình khác nhau, từ đường bằng đến dốc thoai thoải và cao gần như dựng đứng.
Những mảnh đồi xơ xác
Bữa trưa trên đồi của cả đoàn
Tuy không quá khó để di chuyển, nhưng vì có nhiều ngã rẽ rất dễ bị lạc nên cần phải có porter mang vác đồ đạc và dẫn đường. Hành trình của chúng tôi lần này không được như mong đợi do đi vào mùa khô, cảnh vật gần như trơ trụi dưới cái nắng như thiêu đốt, nên hầu như không có gì để ngắm nhiều. Có 3 mùa để có thể trekking cung Tà Năng – Phan Dũng, đó là mùa khô (cỏ cháy) từ tháng 12 đến tháng 5, mùa cỏ xanh từ tháng 6 đến tháng 9 và mùa mưa từ tháng 10 – 11. Đẹp nhất là đi vào mùa cỏ xanh, còn muốn trải nghiệm “hành xác” như chúng tôi thì đi mùa khô là hợp nhất. Hạn chế đi vào mùa mưa vì sự nguy hiểm luôn rình rập do các con suối tích hợp lũ về khiến nước suối đầy và chảy xiết, đường trơn dễ “vồ ếch”.
Chặng đường đầu tiên này được xem là khá dễ dàng để vượt qua, chủ yếu là đường bằng và đi xuyên qua những đồi thông, dài khoảng hơn chục cây số. Trên đường đi, cảnh cũng khá đẹp, chúng tôi còn có thể ngắm những bông hoa cà phê trắng muốt trên rẫy, hay đơn giản chỉ là phút nghỉ ngơi giữa tán cây thông ven rừng… Khoảng 11h trưa, chúng tôi nghỉ ngơi trên một quả đồi nhiều bóng cây râm mát, cơm trắng có thịt, rau, canh đã được các porter chuẩn bị từ trước.
Bữa trưa ăn cũng nhanh để nghỉ ngơi tầm hơn tiếng rồi chúng tôi lại xuất phát để đến cột mốc Tà Năng – Phan Dũng. Ở độ cao 1.160m so với mặt nước biển, tại đây có thể phóng tầm mắt nhìn những đồi cỏ, núi non, con đường ngoằn ngoèo uốn lượn quanh sườn đồi. Sau khi chụp choẹt tha hồ, chúng tôi lại tiếp tục leo những quả đồi cao chót vót để đến với điểm hạ trại đầu tiên. Lúc này nắng gắt, lại di chuyển liên tục nên cái balo 4 -5kg cũng như nặng hơn, chỉ muốn vứt quách nó đi. Chúng tôi bắt đầu uống nước nhiều hơn, và bước đi bắt đầu chậm lại. Tranh thủ những điểm dừng chân trên chặng đường, cả đoàn chúng tôi lại tếu táo trêu đùa cho thời gian trôi nhanh.
Rồi điểm hạ trại cho đêm đầu tiên cũng đã ở trước mặt. Lúc này đã xế chiều, khung cảnh hoàng hôn buông nhanh khiến cảnh vật trở nên tĩnh mịch và không kém phần lãng mạn.
Dựng lều ngủ đêm đầu tiên
Chuẩn bị bữa ăn tối
Chuyến đi này có sự hỗ trợ đắc lực của chú ngựa Cốt do một trai bản người dân tộc Chu Ru tên Ya Hiếu làm chủ. Khi được hỏi vì sao đặt tên ngựa là “Cốt”, Ya Hiếu chỉ cười mà không giải thích được, cậu chỉ biết khi gia đình mình mua nó, con ngựa khoảng 3 tuổi. Thời gian trôi đến nay, Cốt đã phục vụ cho nhà Ya Hiếu hơn chục năm rồi, ngựa giống như một người bạn cùng chia sẻ buồn vui vậy. Cốt có thể thồ rất nhiều đồ trên lưng, dù trông chú ngựa gầy và nhỏ. Sức dẻo dai của chú ngựa Cốt khiến cả đoàn phải trầm trồ, thán phục. Nhờ có Cốt mà lều trại, đồ ăn thức uống của cả đoàn, chúng tôi đều không phải mang vác.
Chú ngựa Cốt nghỉ ngơi sau khi thồ hàng
Bữa ăn tối đầu tiên giữa cảnh núi rừng, có lều bạt, có đèn sáng, có thịt gà, thịt heo, khoai lang nướng, salad khoai tây, dưa leo và một chút rượu nồng… Đêm buông, chúng tôi vui vẻ quây quần nghe tiếng đàn ghi ta khá điêu luyện của một bạn porter kiêm đầu bếp trong đoàn. Xuân – là tên bạn ấy, nấu ăn khá ngon và chơi đàn khá mượt. Tuổi mới ngoài 30 nhưng Xuân có đầy ắp sự trải nghiệm và kinh nghiệm đi rừng trong nhiều năm. Xuân vui vẻ, nhiệt tình, hòa đồng khiến cho chuyến đi của chúng tôi thêm ý nghĩa.
Khoảng 10h tối, chúng tôi rục rịch đi ngủ vì lo cho ngày hôm sau lại tiếp tục một hành trình mệt hơn khi mà thời tiết càng ngày càng gắt. Khi mặt trời vừa mới ửng hồng những tia sáng đầu tiên, chúng tôi tranh thủ chụp choẹt ghi lại khoảnh khắc đón bình minh lên qua những cái lều đầy màu sắc. Sau bữa sáng được giải quyết chóng vánh với ly cafe cùng bát mỳ tôm được hầm từ xương và rau củ, chúng tôi thu dọn sạch sẽ mọi thứ, gom rác lại đốt hết rồi mới lên đường.
Phút nghỉ ngơi của các porter & thành viên trong đoàn
Hành trình của ngày thứ hai này sẽ xuống dốc là chính và điểm nghỉ ngơi sẽ ở chân thác Yavly. Cung đường này dài khoảng 7km và ai cũng mong chờ tới suối để tắm rửa do cả ngày đầu chúng tôi không được tắm vì phải tiết kiệm nước. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ ngủ một đêm ở thác, tuy nhiên, tốc độ di chuyển của chúng tôi quá nhanh nên thời gian đến thác sớm hơn dự kiến rất nhiều, sau khi tắm thác và nhận thấy không gian xung quanh trơ trọi (do đang là mùa khô), cảnh sắc không có gì đáng chú ý nên chúng tôi quyết định trở ra luôn. Rút ngắn tour 3 ngày 2 đêm.
Cung đường trở ra lại là một trải nghiệm không thể nào quên, những con suối nhỏ có thể lội qua dễ dàng trong mùa khô, những phiến đá cũng trở thành chỗ nằm ngả lưng, một mảnh gỗ cũng có thể làm bàn trà thư giãn. Mùa này, chủ yếu đi trên những đồi cỏ cháy, những rừng tre khô xơ xác, tìm mướt mắt mới thấy những mảng màu xanh của cỏ cây hoa lá nên chỉ nghe thấy tiếng suối chảy róc rách là chúng tôi đã mừng rú. Sau khi đi qua khoảng 7 con suối và len lỏi qua những con đường nhỏ, chúng tôi đã ra phía ngoài bìa rừng. Nhưng từ đây để ra được homestay lại là một thử thách mới. Đoạn đường dài tầm hơn 15km đã để lại những trải nghiệm, kỷ niệm không thể nào quên.
Hầu như các tour trekking cung Tà Năng – Phan Dũng này mọi người sẽ đều lựa chọn đi “xe bay” để trở ra sau khi ra khỏi bìa rừng. Bởi lúc này, sức người cũng thấm mệt, nên lựa chọn được đi xe ôm sẽ có cảm giác tuyệt hơn là tiếp tục đi bộ thêm hơn chục km nữa. Với team chúng tôi, “xe bay” đã có trong tour nên khi qua con suối cuối cùng, chúng tôi chỉ việc ngồi chờ xe tới rồi đi thôi. Chúng tôi cứ 2 người kèm bác tài xế là 3 người trên một con xe đã được độ lại để phù hợp với đường rừng.
Trải nghiệm “xe bay” không sao tả nổi, cái cảm giác như muốn bay ra khỏi xe trên cung đường rừng sóc và bé xíu xiu. Chân dù đã ép chặt vào xe vẫn bị những cây rừng quật vào, lúc này dù khung cảnh đẹp và đã thấy những màu xanh của cây rừng, hoàng hôn màu đỏ cam và gió mát nhưng cũng không thể xua đi nỗi ám ảnh đến thót tim khi bác tài phóng như bay lên dốc, xuống dốc. Con xe cứ như trâu đầm, nhảy lên nhảy xuống, ê ẩm cả mông. Bác tài khá tinh tế, cảm nhận được nỗi sợ hãi của các vị khách nên luôn miệng trấn an “yên tâm đi, anh đảm bảo không làm ngã bọn em đâu, anh làm nghề này đi rừng quen rồi, đường như thế này là bình thường đấy”.
Chúng tôi cũng vâng, dạ rồi lại hỏi han chuyện trò cùng bác tài cho thời gian mau trôi, con đường cũng rút ngắn lại…Điểm dừng chân của chúng tôi là Ớt homestay. Tại đây, chị chủ đã nấu cơm sẵn, chúng tôi chỉ việc tắm rửa rồi ăn uống. Homestay cách biển Cổ Thạch không xa nên sau khi ăn tối, chúng tôi quyết định thuê xe oto ra phía biển thuê nhà nghỉ ngủ để tiện đón bình minh trên biển Cổ Thạch vào sáng sớm hôm sau.
Kết thúc chuyến đi khá tốt đẹp, team chúng tôi ai cũng hoan hỉ để tiếp tục cuộc chinh phục những miền đất mới. Tà Năng – Phan Dũng đẹp theo cách nhìn của mỗi người, và ở mỗi mùa trekking, nơi đây đều có sức hấp dẫn riêng biệt. Nếu bạn là người muốn có một lần duy nhất trải nghiệm cung đường trek này, tôi chỉ muốn nhắn bạn hãy đến đây vào mùa cỏ xanh nhé, chắc lúc ấy bạn sẽ thêm yêu mảnh đất này./.
Theo VOV.VN