Người dân bắt đầu kéo lưới rồng từ tờ mờ sáng. Ảnh: Võ Tiến
Một buổi sớm tinh mơ, khi mặt trời còn lặn sâu dưới biển, ngư dân thôn Đông Dương đã lại cùng nhau chèo ghe ra biển, thả lưới cao 4m, dài 300m, có túi (đậy) dài khoảng 15m xuống dưới biển. Đàn ông, đàn bà khoảng 20 người sẵn sàng chia 2 hàng, hò reo cùng nhau kéo lưới trên bãi biển như rồng rắn nên bà con gọi vui là "kéo lưới rồng".
Lão ngư Nguyễn Phước Long, ở thôn Đông Dương, đã gắn bó với nghề kéo lưới này hơn 50 năm, chia sẻ: “Kéo lưới rồng (hay còn gọi kéo lưới rùng) là nghề có khoảng 7, 8 hộ dân chung lưới lại với nhau, cột thành một thảm lưới dài như con rồng. Sáng sớm, tầm 4 giờ, các lão ngư ra khơi 7 sẩy (tầm 500m) để bủa lưới. Sau khoảng 2 giờ thả và kéo lưới, ngư dân đưa toàn bộ lưới cùng các loại hải sản vào bờ chia đều để mọi người kịp bán trong phiên chợ sáng”.
Bà Lê Thị Sương, người dân thôn Đông Dương vui mừng cho biết: “Đây là lần đầu tiên, chúng tôi kéo được nhiều cá đến vậy, bà con ai nấy đều phấn khởi. Mẻ cá này phải được hơn 2 tấn, chủ yếu là các loại cá đù, cá chim, tôm, mực... Đánh bắt hải sản gần bờ bằng nghề lưới rồng tuy năng suất không cao như các nghề đánh bắt hải sản khác, nhưng bà con cảm thấy vui sướng vì tình làng nghĩa xóm được gắn kết”.
Hơn 20 người dân chia thành hai bên hò reo kéo lưới vào bờ. Ảnh: Võ Tiến
Vinh Hiền là xã biên giới biển của huyện Phú Lộc, với địa hình chủ yếu là đất cát. Có hai ngọn núi nhỏ là Linh Thái cao 150m và Túy Vân cao 60m so với mực nước biển, kết hợp với vùng nhiệt đới gió mùa, có 2 hướng gió chính là gió mùa Đông Bắc về mùa đông và gió mùa Tây Nam về mùa hè, tạo cho địa phương này một vùng đặc trưng. Hải sản ở gần bờ nhiều, đa dạng mà các địa phương khác không có được.
Vừa kéo lưới với đôi tay săn chắc cùng ánh mắt ánh lên niềm vui trên khuôn mặt rịn mồ hôi, ông Nguyễn Phước Long chia sẻ thêm: “Mùa kéo lưới rồng thường từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Vào mùa này (mùa nắng) thì sẽ kéo được nhiều loại cá như cá cơm, cá đù, cá vời, cá trích, kèm với đó là mực hay sứa biển... Nếu được mùa, mỗi ngư dân tham gia kéo lưới có thể kiếm 50-60 triệu đồng/mùa”.
Có một điều tôi rất ấn tượng với nghề kéo lưới rồng này chính là tinh thần đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm với nhau của những ngư dân làng chài ven biển, bởi phải huy động nhiều người mới đủ sức kéo lưới. Không phân biệt lớn nhỏ, gái trai, những người có sức khỏe tốt sẽ đứng ở cuối cùng, đan xen lẫn nhau để kéo lưới vào bờ.
Thương lái tới tận nơi thu mua cá mà ngư dân vừa kéo được. Ảnh: Võ Tiến
Cũng theo ông Nguyễn Phước Long: “Nghề kéo lưới rồng có từ thời cha ông để lại, đặc thù của nó là ở trong bờ, không đi ra xa. Đánh bắt kéo dài đến 10 tháng và không phân biệt tuổi tác, chỉ cần có sức khỏe và dẻo tay thì đàn ông hay đàn bà đều có thể kéo được. Tuy thu nhập không cao, nhưng bà con đều cảm thấy vui, nếu được ít thì chia nhau mang về ăn, còn được nhiều thì thương lái xuống trực tiếp thu mua về bán tại các chợ truyền thống, hoặc đóng thùng đi Đà Nẵng, Gia Lai...”.
Võ Tiến/ bienphong.com.vn