Một bản làng người Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đứng từ trên cao nhìn xuống bản làng được xây dựng trên thế dựa lưng vào núi nhìn về thung lũng. Các nếp nhà lô nhô trông như những cây nấm khổng lồ mọc lúp xúp đẹp như một bức tranh.
Nhà trình tường là những ngôi nhà được làm bằng đất, với điều kiện vô cùng khắc nghiệt ở miền núi, những nếp nhà này vừa là nơi cư ngụ của một gia đình, vừa kết hợp cảnh quan là tổ ấm của cả đồng bào dân tộc. Đặc biệt, nó có thể thích ứng với khí hậu, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Nhà trình tường là kiến trúc phổ biến ở miền núi phía Bắc nước ta nhưng người Hà Nhì thì xây dựng đặc biệt ở chỗ mỗi nhà được làm theo dạng hình vuông với bốn mái hình chóp, trên phủ rơm làm từ cỏ tranh hoặc gần đây hiện đại hơn đã phủ mái ngói hoặc mái phi-brô xi-măng.
Một ngôi nhà thường rộng 60 - 80m2, vuông vức nhưng tường đã dày đến 40 - 60cm với chiều cao 4 - 5m. Ở chính giữa là cổng "tò vò" lối vào nhà chính, bên hông có thể mở lối phụ ra chuồng trâu, bò nằm kế bên nhà.
Toàn cảnh một ngôi làng nhỏ trong thung lũng xã Nậm Pung, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ngoài những nếp nhà bằng mái cỏ truyền thống, theo thời gian cùng sự phát triển, đã bắt đầu xuất hiện những nếp nhà phủ mái phi-brô xi-măng.
Người Hà Nhì thường xây nhà vào cuối mùa vụ (từ tháng 8 đến tháng 12 Âm lịch). Nhìn thì có vẻ rất đơn giản, nhưng không nhiều người biết được để xây dựng một ngôi nhà trình tường rất tốn sức và thời gian, thậm chí kéo dài đến 4 - 5 tháng ròng rã.
Sau khi chọn được mẫu đất ưng ý, người Hà Nhì bắt đầu đào móng, nền nhà được san phẳng với móng được xếp bằng trên những viên đá to. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như đổ bê-tông.
Công đoạn công phu nhất là trình tường nhà, hầu như người đàn ông Hà Nhì nào cũng biết trình tường. Đất sét được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, sau đó người thợ cầm chầy gỗ giã cật lực, giã đến khi nào mà đất kết dính đến độ tháo khuôn gỗ nẹp ra mà không rơi tức là đã hoàn thành tầng thứ nhất.
Tất cả các công đoạn đều làm hoàn toàn thủ công bằng tay, không hề có xi-măng, cát sỏi nhưng bức tường vẫn vững chắc không thua bất cứ một công trình bê-tông nào.
Cận cảnh "khuôn" dùng để trình tường một ngôi nhà. Thông thường, khuôn rộng 60cm, dài 2 - 2,5m và phải thật thẳng để cố định vuông vức một bức tường.
Trải qua ròng rã hàng tháng trời nẹp, giã đất như vậy với 5-6 tầng ván khuôn, đó cũng là lúc ngôi nhà trình tường thành hình.
Cứ sau một lượt tầng, người thợ lại lấy vồ gỗ đập vào thành các bức tường cả ở phía trong và phía ngoài làm cho mặt tường thật phẳng và mịn.
Trình xong tường là lúc cố định ngôi nhà như cột nhà, xà ngang, người dân tộc thường chọn gỗ pơ-mu vì sự chắc chắn của nó.
Công đoạn cuối cùng chính là lợp mái. Nếu như trước đây người Hà Nhì thường lợp nhà bằng cỏ tranh hoặc rơm rạ, theo thời gian những mái nhà cũ đã không còn hợp với thời tiết, khí hậu cùng sự phát triển, người Hà Nhì đã thay thế bằng lợp mái tôn, hoặc lợp mái phi-brô xi-măng.
Theo nhandan.vn