Cách trung tâm thành phố Hải Phòng hơn 20km có làng Kim Sơn - xã Tân Trào (huyện Kiến Thuỵ) nổi tiếng trong thời kỳ kháng Nhật. Ở đó còn có lễ hội vật cầu Kim Sơn là một môn thể thao do tướng quân Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để luyện quân sỹ.
Một số nghi lễ trong lễ hội vật Kim Sơn
Tương truyền, sau khi chiến thắng quân Nguyên trở về, tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng quân sĩ đã dùng củ chuối hột làm quả cầu và chơi trò vật cầu để rèn luyện quân sĩ. Từ đó, người dân làng lấy trò chơi này để đưa vào trò chơi đầu năm để đón xuân mới, lâu ngày trở thành lễ hội vật cầu truyền thống của Kim Sơn. Hàng năm, có rất nhiều du khách ghé qua Kim Sơn để tham gia lễ hội đặc sắc này.
Lễ hôi vật cầu Kim Sơn thường tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng tại sân đình
Các họ ở trong làng được chia thành ba giáp: Giáp Đượng, giáp Nam và giáp Bắc. Quân của mỗi giáp gọi là giai cầu (gồm 5 chàng trai chưa vợ, khoẻ mạnh). Mỗi giáp có một tổng cờ mặc võ phục đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, tay cầm cờ đuôi nheo chỉ huy giành giật cầu.
Sới vật cầu trên sân đình có hình con nhạn. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân chính rốn con nhạn. Quả cầu được làm từ củ chuối hột, cỡ bằng cái thúng khảo (đường kính 30 - 40cm), nặng khoảng 20kg, đảm bảo tươi, nhẵn và trơn. Quả cầu được bọc bằng giấy hồng điều có gắn hình tứ linh: Long, Ly, Qui, Phượng đặt trên mâm bồng trong kiệu. Đúng giờ Thìn (10 giờ sáng) người ta rước kiệu ra đình.
Quả cầu được đặt vào lỗ cái. Sau tiếng 'cắc' trống vang lên; cuộc vật bắt đầu. Quả cầu từ dưới lỗ được rung lên. Cả chục chàng trai lăn xả vào quả cầu tranh giành, mong đưa về được sân nhà.
Thời gian: 6/1 âm lịch (3 năm tổ chức một lần). Địa điểm: Làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Đối tượng suy tôn: Tướng quân Phạm Ngũ Lão (đời Trần). Đặc điểm: Tranh tài môn vật cầu của thanh niên trong vùng. Quả cầu được làm từ củ chuối, đường kính 30 - 40cm, nặng gần 20kg. |
Hội vật cầu Kim Sơn Hải Phòng bao gồm phần thi vật với 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Khi giáp nào thắng cuộc (đưa được nhiều số lần quản cầu về sân mình nhất), tiếng hò reo lại vang dậy như sấm. Kết hội, quả cầu được ném xuống hồ bán nguyệt trước cửa đình. Người dự hội thường ào xuống tranh giành lấy một miếng về ăn lấy 'khước' của thần làng.
Lan Hương (theo dulichhaiphong.gov.vn)