Đã từ xa xưa, dân gian tương truyền:
“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”
Câu ca dao ví von ấy đã chứng minh danh sơn Yên Tử (Quảng Ninh) là địa linh, là phúc địa của quốc gia, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông - vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Và sau hai cuộc chiến lẫy lừng ấy, khi đất nuớc đã thanh bình, Ngài đã tự nguyện rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là Vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Đến năm 1299 tức năm Hưng Long thứ bảy, cách đây đúng 720 năm, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nôi sản sinh ra Thiền phái Trúc lâm, và vua Trần Nhân Tông chính là Đức Phật của đất nước Việt Nam.
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt, bởi nơi đây ông cha ta đã để lại di sản là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt, giữa một vùng đồi núi điệp trùng có thác đổ, suối reo, ẩn khuất trong rừng đại ngàn kì vĩ linh thiêng.
Tinh thần phật giáo của Thiền Phái Trúc Lâm vẫn còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo, không chỉ dành riêng cho người xuất gia mà cả tăng và tục vẫn có thể ngộ đạo. Với những giá trị văn hóa tinh thần to lớn đó, ngày nay, Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà là của cả dân tộc.
Về với Yên Tử chính là về với cội nguồn, chúng ta như được sống trong không khí của một thời kỳ lịch sử oai hùng dân tộc. Về với Yên Tử, về với sự bình an tĩnh tại trong tâm hồn, nơi mọi sân si trần tục chỉ là phù vân.
Về với Yên Tử, để sâu lắng hơn giáo lý nhà Phật, để tỏ lòng thành kính bái ngưỡng Phật hoàng, thành tâm khấn nguyện trước cửa thiền, cầu mong cho mọi người, mọi nhà một năm mới đủ đầy, ấm no hạnh phúc.
Trước vẻ đẹp huyền bí và giá trị tâm linh của khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, ngày nay, du khách đến với Yên Tử không chỉ tập trung vào mùa lễ hội mà trải đều tất cả các mùa trong năm. Bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, Yên Tử đều mang trong mình nét đẹp riêng nhưng tựu chung trong đó là sự linh thiêng của đất Phật.
Với lòng thành kính Đức Phật hoàng, lòng yêu nước sâu sắc của mỗi người con đất Việt, lễ hội Yên Tử hàng năm như một lời nhắc nhở các thế hệ cháu con phải luôn nhớ về cội nguồn, phải biết trân quý, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà tổ tiên để lại.
Vũ Khuyên - Vietnam Journey