Phong tục cưới hỏi của người Giáy là một hình thức văn hóa dân gian. Lễ cưới chứa đựng các giá trị về vật chất cũng như tinh thần của dân tộc Giáy, từ văn hóa ẩm thực, các nghi lễ đến trang phục và các điệu hát truyền thống. Tục cưới hỏi đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Giáy, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm lung linh sắc màu.
Trong một số hoạt động văn hóa truyền thống diễn ra tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội có sự tham gia của đồng bào dân tộc Giáy xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, công chúng đã có dịp trải nghiệm nét văn hóa độc đáo trong tục cưới hỏi của người Giáy.
Để tiến tới hôn nhân, người Giáy phải thực hiện trang trọng các nghi lễ truyền thống như: dạm hỏi, dẫn cưới và lễ đón dâu. Lễ ăn hỏi của người Giáy thường có 3 mức thách cưới: thách rượu thịt để mời khách trong lễ cưới; thách của hồi môn cho người con gái mang về nhà chồng; thách thóc gạo cho bố mẹ cô gái vì đã có công dưỡng dục. Trong phong tục cưới hỏi, nối dõi dòng tộc, đồng bào Giáy ít quan tâm đến chuyện giàu nghèo mà chú trọng đến phẩm chất đạo đức và nề nếp gia phong hai bên.
Để thực hiện Lễ đón dâu, nhà trai tổ chức đoàn đón (Pí lè) gồm 4 người. Dẫn đầu đoàn là ông mối, bà mối - những người có uy tín, có kinh nghiệm giao tiếp, dẫn chuyện.
Nhà gái trong không khí rộn rã, ấm áp và hồi hộp chờ đón đoàn nhà trai đến xin dâu
Nghi thức bà mối trao “lì xì” để xin phép vào nhà gái. Sau khi đã làm lễ giữ, nhà trai phải trải qua một tục lệ khác rất thú vị, đó là phải hát đối đáp để xin nhà gái bỏ tấm vải hồng chắn ngay đường vào. Khi vào nhà, nhà gái đem phẩm đỏ đánh dấu lên má từng người của nhà trai
Nhà gái dùng phẩm đỏ đánh dấu từng người nhà trai
Các cô gái người Giáy té nước vào đoàn nhà trai với ý nghĩa mang lại sự may mắn, hạnh phúc cho hai nhà
Nét thú vị nhất là nghi thức “giằng dâu”, thể hiện tình cảm lưu luyến của nhà gái
Việc giằng dâu càng quyết liệt thì càng bày tỏ tình cảm lưu luyến, sâu nặng của người nhà với cô gái trước khi về nhà chồng
Sau những nghi lễ, cô dâu được đoàn đón về nhà chồng
Theo phong tục, khi về tới nhà chồng, cô dâu mới bỏ khăn che mặt, nhận mặt cha mẹ chồng, thực hiện các nghi thức lễ tổ tiên, sau đó sẽ cùng hát trao dâu, cảm ơn họ hàng, khách mời và nhắc nhở nhau sống thuận hòa với gia đình, bà con làng bản
Phong tục cưới hỏi của dân tộc Giáy không chỉ là việc kết duyên của đôi lứa mà có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống
Theo dangcongsan.vn