Đình Trung Bản toạ lạc trên một khu đất rộng thuộc thôn Trung Bản, xã Liên Hoà, thị xã Quảng Yên. Truyền thuyết rằng, năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã thân chinh đi thị sát địa thế sông Bạch Đằng để bố trí trận địa cọc và quân mai phục đón đánh quân Nguyên. Khi đang đứng gò Dược Sơn (vị trí đình hiện nay), gió thổi khiến tóc ngài bị xổ ra. Vương bèn chống kiếm xuống đất để búi lại tóc.
Tượng Trần Hưng Đạo ở đình Trung Bản mô tả ngài xoã tóc, tay cầm trâm cài đầu, gắn bó chặt chẽ với truyền thuyết |
Đất nước thái bình. Khi các tiên công khai phá lập nên vùng đảo Hà Nam trù phú, nhớ tích xưa, dân làng xây miếu thờ. Sau ngôi miếu đổ nát, nhân dân xây dựng đình mới rước tượng, bài vị Trần Hưng Đạo vào thờ ở đình và tôn là thành hoàng làng như ngày nay. Đôi câu đối của đình nhắc nhở hậu thế nhớ tích xưa: Đằng thuỷ thực thung, vạn thế phong công thuỳ vũ trụ/Dược Sơn minh kiếm, thiên thu chính khí thượng huân cao. (Tạm dịch: Sông Bạch Đằng đóng cọc, muôn thuở công to bao trùm vũ trụ. Núi Dược Sơn kiếm vang, ngàn năm chính khí mãi tôn thờ).
Đặc biệt, pho tượng Trần Hưng Đạo tại đình Trung Bản mô tả ngài đúng như tích xưa, đó là tóc xổ xoã sau lưng, tay trái đặt trên đầu gối, tay phải đang cầm cây trâm cài đầu. Tượng có chiều cao 1,25m, tạc trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc long bào, tất cả đều được sơn son thếp vàng. Dưới góc nhìn mỹ thuật, điêu khắc tượng pháp, tượng là một tác phẩm đẹp, hài hoà về bố cục, tỷ lệ, toát lên cái thần thái của vương, đôi mắt vừa nhân từ, vừa oai linh.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, tượng Trần Hưng Đạo tại đình Trung Bản là pho tượng về ngài đẹp nhất không chỉ ở Quảng Ninh mà còn với cả các địa phương có thờ ngài.
Quấn tẩy đình Trung Bản là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật không đâu có |
Một cổ vật khác của đình Trung Bản phải nhắc tới đó là quấn tẩy. Đây là vật dùng đựng nước thánh để các chủ tế làm phép rửa tay trước khi dâng hương ở các lễ hội đình, đền, giỗ họ. Nhiều nơi thờ tự, các nhà thờ họ ở Hà Nam (Quảng Yên) có quấn tẩy nhưng đẹp, trở thành tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thì chỉ có đình Trung Bản.
Quấn tẩy của đình Trung Bản cao 1,4m, nửa bên dưới là cây trúc uốn lượn, nửa bên trên là con rồng đang sà trên cao xuống, hai chân trước của rồng như chìa ra nắm lấy tàu lá sen. Từ đuôi rồng, người ta khéo léo khoan rỗng một lỗ để rót nước xuống lá sen có công dụng như một đĩa đựng nước phép. Từ “gốc” trúc đến đuôi rồng – tức tổng thể quấn tẩy còn được điểm xuyết bằng các minh hoạ long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai. Cái khéo của người thợ xưa là tuy là một thể thống nhất nhưng các hình tứ linh, tứ quý chạm trên quấn tẩy không hề rối.
Bộ kiệu bát cống được cho là của vợ chồng viên quan triều đình thời Lê cung tiến vào đình Trung Bản |
Ngoài ra, cũng phải kể thêm một cổ vật rất đáng chú ý tại đình Trung Bản đó là bộ kiệu bát cống. Sở dĩ, gọi là kiệu bát cống là bởi cỗ kiệu này cần 8 người (bát) khiêng và thường được sử dụng trong các nghi thức rước tượng, bài vị thần trong các lễ hội làng, xã. Đòn khiêng kiệu bát cống, hai đòn dọc trang trí hình đầu và đuôi rồng, 8 đầu đòn ngang là phần đặt lên vai người khiêng cũng đều được trạm hình đầu rồng.
Chuyện rằng, chiếc kiệu bát cống tại đình Trung Bản là do vợ chồng một viên quan ở triều đình nhà Lê do hiếm muộn con mà cung tiến vào đình mong tìm vận may.
Tượng Trần Hưng Đạo, quấn tẩy, kiệu bát cống tại đình Trung Bản được các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng đều được chế tác vào thế kỷ 17. Trải qua thời gian và chiến tranh, điều may mắn là những hiện vật này còn khá nguyên vẹn. Đó chính là những điểm nhấn, là cốt lõi làm nên giá trị của đình Trung Bản nói riêng, khu di tích chiến thắng Bạch Đằng nói chung.
Lương Anh, theo baoquangninh.com.vn