Điện Kiến Trung được khởi công xây dựng vào năm 1921, hoàn thành năm 1923 dưới triều vua Khải Định. Điện Kiến Trung nằm trên mảnh đất sau cuối của Tử Cấm thành - Đại nội Huế. Theo sử liệu về nhà Nguyễn, dưới thời vua Minh Mạng, nơi đây có tên là lầu Minh Viễn (1827 – 1876). Đến thời vua Duy Tân, công trình được kiến tạo và mang tên Du Cửu (1913 - 1916). Kiến Trung là tên được vua Khải Định đặt từ năm 1916. Năm 1921, điện Kiến Trung được vua Khải Định xây dựng mới và vẫn giữ nguyên dưới thời Bảo Đại.
Điện Kiến Trung là công trình tiêu biểu quan trọng, đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc truyền thống cung đình Huế. Đây là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Theo các chuyên gia về kiến trúc, ngôi điện này có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á và Âu. Trên hình khối bố cục đậm chất Âu châu, điện Kiến Trung được tô điểm bởi các chi tiết trang trí hoa văn, họa tiết mang đậm bản sắc của họa tiết cung đình, tạo nên xu hướng thẩm mỹ đặc trưng. Đây chính là phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt Nam sáng tạo ra và là những giá trị văn hóa, lịch sử đáng trân trọng.
Năm 1947, do ảnh hưởng của chiến tranh, bom đạn, điện Kiến Trung bị phá hủy gần như hoàn toàn, trở thành phế tích, chỉ còn nền móng cho đến ngày nay.
Ngày 16/2/2019, dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung” có tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng (tương đương 5,5 triệu USD) chính thức được khởi công. Đây là dự án có kinh phí lớn, đầu tư khôi phục một công trình dạng đặc biệt, nên được giới chuyên môn và cộng đồng quan tâm.
Phạm Dương, theo Tienphong