Đã thành thông lệ, từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch các dòng họ ở vùng xã đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) lại tưng bừng sắm sửa lễ vật, tưng bừng tổ chức lễ hội Tiên Công, còn được gọi lễ hội rước người.
Khoảng ngày mùng 3 và mùng 4 các dòng họ ở đảo Hà Nam làm lễ tế tổ, bày tỏ lòng thành hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Trong những ngày này, gia đình nào có cụ thượng thọ 80 tuổi, 90 tuổi, 100 tuổi đều có lễ vật tới từ đường cáo tiên tổ và báo cho hội đồng gia tộc biết. Các cụ thọ 80 tuổi trở lên, từ ngày đó đều được phong gọi là cụ Thượng một cách cung kính.
Ngay từ sáng sớm ngày mùng 7, các đoàn rước cụ Thượng được con cháu trong dòng họ rước ra miếu Tiên Công (phường Cẩm La, thị xã Quảng Yên) để làm lễ chúc mừng. Cụ Thượng mặc áo gấm đỏ hoặc xanh thêu chữ Thọ, ngồi trên ghế bành trải nệm hoa được.
Võng đào của cụ Thượng do 4 thanh niên khiêng, 1 người che lọng đi liền sau chữ Thọ. Đi đầu đoàn rước là 3 người đóng giả các chú tễu múa gậy, múa quạt làm nhiệm vụ dẹp đường, tiếp sau là đoàn trống, rồi đến hai hàng cờ ngũ sắc do các nam, nữ thanh niên điều hành đoàn rước.
Sau đó đến hai hàng bát bảo, đội nhạc bát âm, những người con gái hoặc dâu hoặc cháu gái nội cụ Thượng đội hai mâm lễ vật dâng Tiên Công gồm: Một mâm có chai rượu trắng, một buồng cau, một ít lá trầu, bánh dày hoặc bánh chưng, một con gà luộc hoặc thịt lợn và một đĩa muối. Một mâm ngũ quả. Kế sau hai mâm lễ vật là một hương án do 8 thanh niên khiêng, rồi đến đoàn rước chữ Thọ.
Các đoàn rước cụ Thượng đều tập trung ở trước cửa miếu Tiên Công, sau khi ban tế lễ thực hiện các nghi lễ tế Tiên Công xong, các cụ Thượng được mời vào thắp hương, được cụ Tiên Chỉ đọc văn ca ngợi công lao, chúc sức khỏe, chúc gia đình, dòng họ cụ Thượng làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn...
Sau khi các cụ Thượng lễ Tiên Công xong, làng xã mời bốn cụ Thượng còn khỏe ra trước cửa miếu Tiên Công làm nghi lễ "vượt thổ" (đắp đê). Trên con đê nhỏ được dân làng đắp tượng trưng trước cửa miếu, các cụ Thượng đắp những tảng đất đã được xẻ vuông vắn lên trên.
Sau khi làm nghi lễ "động thổ" (vượt thổ), các cụ Thượng tiếp tục thực hiện nghi thức "đất vật" (tượng trưng). Nghi thức đấu vật là để biểu trưng sức khỏe của những người quai đê lấn biển, lập đất, lập làng, lập nên vùng đảo Hà Nam. Người dân ở đây cũng tin rằng, với nghi thức này, các cụ sẽ ban sức khỏe cho con cháu.
Sau các nghi lễ tế tổ, nghi lễ động thổ đắp đê, nghi lễ đánh vật, các nghi thức và nghi lễ tế Tiên Công xem như được hoàn thành. Các gia đình họ tộc rước cụ Thượng về nhà, thứ tự đoàn rước như lúc rước đi. Xung quanh khu vực miếu Tiên Công, các trò chơi như đấu cờ người, chơi đu, tổ tôm, chọi gà, đánh vật, hát đúm và một vài trò vui khác tiếp tục diễn ra.
Theo UBND thị xã Quảng Yên, lễ hội Tiên Công năm nay thu hút khoảng 2 vạn người dân, du khách về tham gia lễ hội. Năm 2018, lễ hội rước người độc đáo này đã được Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.
Phạm Dương, theo Toquoc