Lễ tế Âm Hồn tưởng nhớ sự kiện Thất thủ kinh đô
Lễ tế Âm Hồn là một nghi lễ truyền thống tại vùng đất Kinh đô Huế xưa. Lễ tế đề cao giá trị nhân văn, nhằm tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong biến cố lịch sử “thất thủ Kinh đô” năm 1885. Đàn Âm Hồn ở số 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, thành phố Huế được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái, là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế ngày 5/7/1885, nhằm ngày 23/5 năm Ất Dậu. Hàng năm cứ đến ngày 23/5 âm lịch, người dân ở Huế tổ chức cúng âm hồn tại đàn Âm Hồn và các miếu âm hồn nằm trong khu vực thành nội Huế.
Lễ tế tổ chức tại Đàn Âm hồn ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết: "Thất thủ Kinh đô là một biến cố lịch sử rất lớn đối với người dân Huế, đó cũng là biến cố làm xoay chuyển sinh mệnh chính trị của đất nước Việt Nam dưới thời triều Nguyễn. Sự kiện này được đánh dấu bằng cuộc nổi dậy, tập kích của binh lính triều Nguyễn đánh vào 2 căn cứ của người Pháp, một là Toà Khâm Sứ, hai là Đồn binh của Pháp đóng ở Trấn Bình Đài, khi người Pháp đánh trả lại cuộc phản kích của triều đình nhà Nguyễn thì lính Pháp đã tàn sát một số binh lính và dân chúng."
Lê Hiếu/VOV Miền Trung