Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La năm 2019 được tổ chức trong các ngày từ 16 - 21/3 (tức ngày 11/02 - 16/02 Âm lịch) với nhiều hoạt động độc đáo và hấp dẫn. Phần lễ gồm lễ rước kiệu Mẫu và lễ tế. Lễ rước Kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Mẫu Ỷ La ra Đền Hạ, tiếp đến lễ rước Kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế. Nghi thức diễn ra uy nghi, có sự tham gia đầy đủ của già, trẻ, gái, trai và khách thập phương.
Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian (Kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, bóng chuyền hơi, đập niêu, nhảy bao bố, chọi gà,...) cùng các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu như: Giới thiệu trang phục (khăn áo) trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; trình diễn diễn xướng dân gian (nghi thức hầu đồng) kết hợp với biểu diễn âm nhạc (hát văn).
Lễ hội rước Mẫu ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại ba ngôi đền: đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La. Theo truyền thuyết, xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân, một hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai công chúa đã bay về trời, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ… Đền Hiệp Thuận ở hạ lưu được gọi là đền Hạ, thờ công chúa Phương Dung (người chị), đền Thượng thờ công chúa Ngọc Lân (người em).
Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của thành phố Tuyên Quang. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu, quảng bá, tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa các di tích cấp quốc gia của thành phố Tuyên Quang với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và khoa học, Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lương Trang, theo toquoc.vn