Sáng 12/7 (tức 10/6 âm lịch), hàng trăm du khách và người dân địa phương đã đến đình Hoàng Châu, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng để dự Lễ hội xa mã - rước kiệu.
Theo người dân địa phương, Lễ hội xa mã - rước kiệu đã có cách đây khoảng 300 năm. Sau nhiều năm trì hoãn vì hoàn cảnh xã hội, Lễ hội xa mã - rước kiệu đã được phục dựng vào năm 1992. Lễ hội này được tổ chức từ mùng 9/6 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày. Đây là dịp kỷ niệm ngày dựng đình và tri ân 2 vị thành hoàng làng là Đô nguyên soái và Phó nguyên soái có công trừ hải tặc, dạy dân nghề đánh cá. Thông qua lễ hội, ngư dân ven biển Cát Hải cầu mong thần linh biển cả - thủy thần bảo trợ cho mùa ra khơi đánh bắt cá được an toàn, bội thu.
Lễ hội có phần lễ bao gồm các nghi thức tế cáo yết, tế chính và tế an vị. Phần hội là nghi thức rước kiệu, xa mã cùng các trò chơi dân gian khác. Trong đó, rước kiệu là hoạt động mang đậm nét tín ngưỡng tâm linh. Kiệu rước như có thánh thần hiển linh, nên lúc di chuyển nhanh như bay, lúc lờ đờ chậm chạp. Kiệu còn đi lùi, quay vòng thậm chí gần như mất kiểm soát và "điều khiển" người khiêng kiệu. Xa mã hay còn gọi là thi kéo ngựa gỗ lại tái hiện cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa mang lại sự hào hứng cho lễ hội.
Có mặt tại Lễ hội xa mã - rước kiệu đình Hoàng Châu năm nay, giáo sư sử học Lê Văn Lan đánh giá: “Lễ hội này mới được phục hồi và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017. Từ đó đến nay, lễ hội đều có sự biến hóa, tiến bộ và trưởng thành để trở thành một lễ hội rất đặc sắc đại diện cho miền biển Đông Bắc. Lễ hội cũng đại diện cho tinh thần thượng võ, hùng tráng, dũng cảm, nhanh nhẹn”.
Sáng 12/7, hàng nghìn du khách và người dân địa phương đã đến đình làng Hoàng Châu để dự Lễ hội xa mã - rước kiệu. Ảnh: Lê Tân
Lễ hội được tổ chức từ mùng 9/6 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày. Ảnh: Lê Tân
Đây là lễ hội truyền thống được người dân Cát Hải đặc biệt coi trọng, gìn giữ. Ảnh: Lê Tân
Trong đó, rước kiệu là hoạt động mang đậm nét tín ngưỡng tâm linh. Ảnh: Lê Tân
Kiệu nhiều khi "mất kiểm soát" và điều khiển cả người khiêng. Ảnh: Lê Tân
Người dân nơi đây cho rằng khi kiệu bay là thánh ngự, kiệu quay là thánh chưa thỏa lòng ngao du. Ảnh: Lê Tân
Kiệu thánh có thể "bay" khắp chốn, không biết trước điểm dừng. Ảnh: Lê Tân
Xa mã hay còn gọi là thi kéo ngựa gỗ lại tái hiện cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa, mang lại sự hào hứng cho lễ hội. Ảnh: Lê Tân
Trên xa mã có các công Đình mua cơ, rung lục lạc để tạo khí thế. Ảnh: Lê Tân
Chính vì những nét độc đáo trên mà Lễ hội xa mã - rước kiệu Hoàng Châu luôn thu hút rất đông người xem. Ảnh: Lê Tân
Theo thanhnien.vn