Không biết món cơm độc đáo này ra đời từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng người dân miền núi thường phải đi rừng rất vất vả, nhọc nhằn có khi đi từ lúc sáng sớm tinh mơ cho tới lúc tối mịt hoặc thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Nên họ mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa.
Từ những thói quen từ ngàn xưa để lại, một thói quen rất bình dân, dễ làm thế mà không ngờ nay đã được tôn lên thành một món ăn đặc sản của núi rừng – món cơm lam. Món cơm lam có rất ở nhiều nơi từ người Tày, nguời Thái, người Nùng, người Mường… đều có loại cơm này. Tuy nhiên, Hoà Bình là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm lại dẻo nổi tiếng.
Cơm lam ăn ngon nhất với muối vừng
Ngày nay, cách làm cơm lam đã có đôi chút khác so với trước, con người không làm cơm lam để “cho qua bữa” nữa mà cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch để người ta ăn “chơi” . Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giá trị truyền thống của món ăn độc đáo này, nó vẫn mang đầy đủ dáng dấp của một nền văn hoá bản địa. Để thêm phần phong phú thì cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, thịt nước, măng chua…nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng.
Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với Cơm Lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt Lạc, hạt đậu trong đó nhưng đựoc thay bằng mùi thơm đặc trưng của dừa và nước cốt dừa, mùi của mía, của lá rừng Hoà Bình.
Minh Đức (tổng hợp)