Bánh canh chả cá Bà Lý
Nói đến bánh canh chả cá ở Phan Thiết, người dân địa phương nơi đây thường nhắc đến bánh canh bà Lý ở đường Trần Hưng Đạo bởi hương vị rất riêng. Sợi bánh canh rời, đục chứ không trong, không dính như là bánh canh thường hay ăn, và giống như cọng bún bò, đảm bảo du khách sẽ nhớ mãi.
Quán bánh canh bà Lý. Ảnh: Ivivu
Quyết định đến chất lượng của món bánh canh chính là nước dùng, nước dùng ở đây được hầm từ xương heo, thêm các loại cá như cá cam, cá chai, cá bớp... Điểm thêm màu vàng của những miếng chả cá chiên, cộng thêm màu xanh của hành ngò, mùi tiêu bốc lên thơm phức, khi ăn có thể vắt một miếng chanh, thêm một ít nước mắm dầm ớt cho đậm đà. Chả cá phải được quết thật nhuyễn từ cá thu, cá chai, cá rựa, cá mối... Khi ăn bạn có thể cho thêm tí chanh, tiêu, nước mắm ớt để thưởng thức cái vị ngọt của nước, ngọt béo bùi của chả cá, vị cay nồng của tiêu, ớt. Giá một tô bánh canh khoảng 20.000 đồng.
Gỏi cá mai
Cá mai là loại đặc sản nổi tiếng ở các tỉnh miền Trung, thịt cá trong, thơm, dai, giòn, không tanh. Loài cá này rất phù hợp để chế biến thành các món ăn thơm ngon như món lẩu thả và món gỏi cá mai thanh mát. Nếu đến Phan Thiết bạn nhất định nên thử món ăn này bởi điều khác biệt thu hút du khách khi thưởng thức món ăn này có lẽ là ở nước chấm với hương vị rất đặc trưng. Nước chấm cá mai tương đối cầu kỳ, sền sệt rất hấp dẫn và thơm mùi của me, chuối chín, tỏi và ớt. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách…
Gỏi cá mai là món ăn được nhiều người ưa thích khi đến Phan Thiết. Ảnh: I.T
Bánh quai vạc
Bánh quai vạc nghe khác lạ tai với nhiều người nhưng chắc chắn ai cũng sẽ biết món ăn này vì hình dáng và mùi vị của chúng y hệt món bánh bột lọc đặc trưng của Huế. Phần bột bánh trong trong, bên trong có nhân chút thịt cùng một con tôm tẩm màu chấm kèm nước mắm chua ngọt sệt sệt. Để chế biến món ăn này, người ta sử dụng bột mì tinh được chế nước sôi cho bột chín tới và nhào bột từ lúc nóng bỏng tay cho đến khi còn ấm, là bột đã đủ độ dẻo để nặn bánh.
Nhân bánh quai vạc Phan Thiết được làm từ tôm tươi, thịt ba rọi cắt nhỏ bằng tôm xào chung, nên nếm gia vị và trộn hành lá thái nhỏ cho thêm phần hấp dẫn. Nước chấm dùng với bánh quai vạc là nước mắm chua ngọt và thật cay – đúng theo vị của người Phan Thiết, Bình Thuận. Khi dùng bánh quai vạc, người ta còn rắc ít hành tím phi vàng và tóp mỡ lên trên bánh trước khi chan nước mắm nên trông đĩa bánh cực kỳ bắt mắt muốn thưởng thức ngay tức khắc.
Loại bánh này có ở nhiều nẻo đường Phan Thiết, tuy vậy, muốn tìm thấy dễ dàng, thì nên ra những khu vực bãi biển, đây là nơi luôn túc trực những người quang gánh bán loại bánh này.
Bánh căn Lân Nguyệt
Bánh căn Lân Nguyệt được chế biến trực tiếp trên bếp, khách gọi đến đâu làm đến đấy chính vì vậy mà lúc thưởng thức bạn vẫn có thể cảm nhận được vị nóng hổi giòn tan ở bên ngoài nhưng bên trong lại mềm dẻo ngon tuyệt. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn nhiều món khác nhau như bánh căn trứng cút, tóp mỡ hay ăn cùng các loại hải sản khác nhau như tôm, mực…
Chả lụi Hàm Tân
Dành cho những tín đồ yêu thích ăn vặt, quán chả lụi Hàm Tân là địa chỉ ăn vặt cực hấp dẫn ở Phan Thiết mà giới trẻ thường xuyên tới ăn. Mỗi một suất chả lụi có giá khoảng 15.000 – 25.000 đồng với nem nướng, trứng luộc, nem chua cuộn cùng rau sống, dưa chuột, xoài hoặc dứa rồi chấm nước mắm chua cay rất dễ ăn. Cứ mỗi buổi chiều khoảng từ 4h là các quán chả lụi ở đường Trần Hưng Đạo lại nghi ngút khói với hương thơm tỏa ra từ các xiên chả nem nướng làm ai cũng muốn vào ăn.
Theo danviet.vn