Ở Việt Nam, cá khoai xuất hiện nhiều ở vùng biển các tỉnh từ miền Bắc đến hết miền Trung nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là cá khoai Thái Bình và Quảng Bình.
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì cá khoai có thân thon dài, thịt trắng hồng, không vảy trông giống như những củ khoai. Cách gọi này cũng nhằm mục đích giúp người dân phân biệt cá khoai với các loài cá khác.
Trước đây, cá khoai chưa được nhiều người biết đến nên thường chỉ chế biến đơn giản thành món ăn dân dã của bà con vùng biển, thậm chí dùng làm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Nhưng ngày nay, cá khoai đã trở thành đặc sản khoái khẩu được thực khách thập phương ưa chuộng, góp mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn hay quán ăn.
Từ tháng 9 đến hết tháng 12 âm lịch hàng năm là thời điểm cá khoai vào mùa thu hoạch. Tùy từng nơi mà mùa cá khoai có thể kéo dài tới tháng 2 âm lịch của năm sau. Thời gian này, ngư dân ở các tỉnh như Thái Bình, Nam Định hay Thanh Hóa, Quảng Bình, Vũng Tàu... lại tất bật ra khơi để đánh bắt cá khoai.
Tuy nhiên, cá khoai là loài thân mềm, rất dễ ươn nên sau khi đánh bắt lên, người ta phải mang cá đi tiêu thụ ngay hoặc vận chuyển đến các tỉnh thành lân cận để đảm bảo cá vẫn tươi, giữ được độ thơm ngon, ngọt thịt.
Cá khoai có thể chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng như cháo cá khoai, lẩu cá khoai... nhưng đơn giản và giữ được trọn vẹn hương vị nhất vẫn là món canh cá khoai. Để món ăn đạt chất lượng, người ta phải chọn mua cá tươi rói có mang đỏ, thịt trong suốt, vây ánh hồng tự nhiên và mắt trong suốt, thân còn nhớt, ánh nhũ. Còn cá ươn hoặc ướp đá lâu ngày thường bị vây đen, thịt đục.
Sau khi mua về, người ta đem sơ chế bằng cách cắt đầu, bỏ ruột rồi rửa sạch cá bằng nước muối pha loãng. Dạ dày cá khoai cũng thường được giữ lại vì có độ giòn, vị béo ngậy lạ miệng. Vì thân cá khoai dài nên thường được cắt thành nhiều khúc dài chừng 3-4cm rồi tẩm ướp với các gia vị như mắm, hạt tiêu, gừng, sả, hành tỏi ớt băm nhỏ để tăng độ thơm ngon cho món ăn.
Để nấu canh cá khoai, bạn chỉ cần phi thơm hành tỏi với cà chua, cho nước vào nồi đun lên. Khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa, thả cá vào thật nhẹ tay. Vì thịt cá khoai rất mềm nên khi nấu không được khuấy hay đảo nhiều, tránh làm nát cá. Loại cá này cũng chảy nhiều nước nên khi nấu chỉ cần cho lượng nước vừa đủ. Cá chín thì cho thêm hành lá, rau răm hoặc thì là thái nhỏ. Canh cá khoai nấu chua là món ăn dễ chế biến, hương vị ngọt thanh.
Tùy từng địa phương và khẩu vị mỗi người mà cá khoai có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Ở Quảng Bình, lẩu cá khoai là món nổi tiếng nhất. Cá cũng được làm sạch, cắt khúc rồi đem nhúng lẩu, ăn kèm rau và các nguyên liệu như những món lẩu thông thường khác.
Còn ở thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) có đặc sản khô cá khoai nổi tiếng. Người dân địa phương chế biến cá khoai theo phương pháp truyền thống để bảo quản cá được lâu hơn và tạo thành món ăn có hương vị khác biệt. Để làm khô cá khoai, người ta sơ chế cá thật sạch rồi bắt chéo hàm, vắt ngang những cây sào và phơi nắng rồi sử dụng dần.
Từ món ăn dân dã của bà con miền biển, cá khoai nay trở thành đặc sản được thực khách ở khắp các tỉnh thành, nhất là Hà Nội yêu thích và tìm mua. Cá khoai thu mua tại biển khá rẻ nhưng khi được vận chuyển vào trong đất liền được bán với giá dao động từ 170.000-320.000 đồng/kg. Riêng những ngày cuối năm hoặc cận Tết, số lượng cá khoai khan hiếm hơn nên giá có thể cao tới 400.000-500.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, cá khoai dễ ươn sau khi đánh bắt nên thường được mang tiêu thụ ngay hoặc chỉ vận chuyển tới các tỉnh gần biển. Bởi vậy, thực khách ở Thủ đô muốn thưởng thức cá khoai không hề đơn giản, nhà giàu có tiền cũng khó mua.
Theo Dân trí
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |