Cốm |
Những hạt cốm làng Vòng màu xanh ngọc bích, được bọc trong những chiếc lá sen, là thức quà mang đậm dấu ấn của mùa thu Hà Nội. Dù ngày nay, cốm không chỉ xuất hiện trong mỗi mùa thu, nhưng mùa thu vẫn luôn là thời điểm tuyệt nhất để thưởng thức món quà vặt này.
Để làm ra được những hạt cốm thơm dẻo, kể ra cũng thật kỳ công. Nguyên liệu làm cốm phải là những loại nếp thơm ngon đặc biệt như nếp cái hoa vàng, nếp quýt, nếp tan. Đầu tiên, nếp được gặt từ lúc còn xanh, hạt thóc còn sữa non, trắng ngần. Sau đó, đem về tuốt, chọn lọc lấy những những hạt mẩy, sạch, đem rang cho róc vỏ. Sau khi thóc rang nguội, người làm cốm chia thành từng mẻ, giã đều tay nhiều lần rồi sẩy, sàng để cho ra những hạt cốm thơm ngon.
Cốm được làm thành 2 loại là cốm tươi và cốm khô. Từ những hạt cốm làng Vòng, người Hà Nội đã chế biến ra nhiều món ăn ngon, nổi tiếng như chè cốm, xôi cốm, bánh cốm hay chả cốm…
Bánh cốm |
Trong các món được chế biến từ cốm, bánh cốm một món ngon thực sự khác biệt, không thể không nhắc đến trong ẩm thực mùa thu Hà Nội. Sở dĩ bánh cốm trở nên đặc biệt hơn hẳn so với nhưng món ngon làm từ cốm khác là vì cốm không còn ở dạng nguyên hạt như ban đầu mà được quyện thành lớp bánh dẻo cùng đường kính trắng bao bọc bên ngoài lớp nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần thơm ngậy. Mỗi chiếc bánh mỏng chỉ to cỡ lòng bàn tay người lớn, được gói giấy bóng kính trắng bên ngoài và được đựng trong những chiếc hộp xinh xắn màu xanh lá mạ chính là món quà ý nghĩa tặng khách phương xa khi có dịp ghé qua Hà Nội.
Món bánh này gợi lên trong lòng những người con xa quê, những tâm hồn hoài cổ về một nét văn hóa đẹp, thanh tao trong việc thưởng thức ẩm thực của người Hà Nội. Bánh cốm mà đặc biệt là bánh cốm Hàng Than đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp và là món quà được ưa chuộng của du khách thập phương.
Sấu chín |
Giống như hương hoa sữa, những hàng sấu già nằm dọc các con đường ở Hà Nội được trở thành nét riêng, trở thành thương hiệu của nơi đây. Sấu không phải là thứ quả đắt đỏ, càng không phải cao lương mỹ vị. Thế nhưng, sấu lại như mang cả hương vị của thủ đô, để rồi nhắc về thứ quả vỏ ngoài xấu xí, xù xì là lại nhắc nhớ về Hà Nội.
Mùa sấu thường bắt đầu vào giữa hè, và khi trời sang thu cũng là lúc những quả sấu chín căng tròn, mập mạp hơn hiện diện trên gánh hàng rong. Sấu chín được cạo sạch lớp vỏ ngoài, sau đó được cắt theo vòng xoắn ốc thật khéo léo để tách thịt sấu ra khỏi hạt. Ăn sấu chín không cầu kì, hoa mĩ, người ta có thể cắt sấu rồi chấm muối ớt ăn ngay hoặc dầm chung với một chút đường, muối và ớt. Sấu dầm để lâu một chút sẽ ngấm gia vị, ăn sẽ ngon hơn. Miếng sấu dầm cay cay, ngọt ngọt xen lẫn vị chua nhưng không gắt của sấu đã hấp dẫn biết bao nhiêu người khi mùa thu tới.
Chè sen |
Những đóa hoa sen thanh tao, thơm ngát cùng những người bán hoa dạo len lỏi, rong ruổi khắp phố phường Hà Nội suốt cả mùa hạ. Để rồi, khi những hồ sen bắt đầu tàn lá, lụi hoa, chỉ trơ lại những đài sen xanh ngắt, chính là dấu hiệu của mùa thu đã tới. Lúc này, người ta ngắt đài sen về tách lấy phần hạt sen bên trong và chế biến thành những món ăn bổ dưỡng, hấp dẫn, trong đó có chè sen.
Chè sen ngon nhất là được nấu từ hạt sen tươi với đường phèn ngọt thanh thêm chút sắn dây để tạo độ sánh. Tuy giản dị, mộc mạc nhưng món ăn này lại có thể lấy lòng được mọi vị khách. Ngoài cách nấu chè sen đơn giản, người ta còn nấu chè sen long nhãn, chè sen nha đam hay chè sen tuyết yến… Người Hà Nội nấu chè sen, ăn chè sen không đơn giản chỉ vì đây là món ăn thơm ngon, mà còn bởi vì, chè sen còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như an thần, giúp ngủ ngon, bồi bổ cơ thể.
Bánh trung thu |
Nhắc đến mùa thu, người ta thường nghĩ ngay đến Tết Trung Thu, với những đèn lồng rực rỡ, với múa lân, múa rồng và với cả hương vị thơm ngon, hòa quyện của bánh nướng, bánh dẻo. Trước đây, bánh Trung Thu được chế biến đơn giản với những loại nhân truyền thống như thập cẩm hay đậu xanh, trứng muối... Cắt miếng bánh Trung Thu thấy nào là vừng, hạt dưa, mứt bí, xá xíu, đậu xanh hay trứng muối thơm phức… Còn ngày nay, bên cạnh những chiếc bánh Trung Thu truyền thống, người ta tạo ra muôn vàn những biến thể của bánh Trung Thu từ hình dáng đến nguyên liệu, cách làm bánh.
Giữa trời thu Hà Nội lãng mạn, se se, ngồi thưởng thức miếng bánh Trung Thu ngọt mềm cùng chén trà sen thơm ngát chắc chắn sẽ mang đến cho du khách hay cả những người sống ở Hà Nội những xúc cảm khó lòng quên đi.
Chả rươi |
Rươi là loài sinh vật thân mềm, hình dáng giống giun và có giá trị dinh dưỡng cao. Hàng năm, rươi thường xuất hiện vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10, đầu tháng 11. Chính vì chỉ xuất hiện trong mấy tháng, nên rươi trở thành thứ đặc sản mà không nhanh, người ta rất dễ bỏ lỡ.
Từ rươi, người ta chế biến được khá nhiều món như chả rươi, mắm rươi, hấp, xào… trong đó, món ăn được lòng người Hà Nội, và cũng là món ăn nổi tiếng đất Hà thành chính là chả rươi.
Ở mỗi địa phương, người ta lại có những cách chế biến rươi riêng, nhưng ở Hà Nội, người ta làm chả rươi với những nguyên liệu đơn giản để giữ lại tối đa hương vị thơm ngon của rươi. Chả rươi Hà Nội có thịt băm, vỏ quýt, thì là, trứng. Miếng chả rươi vàng ruộm, thường ăn nóng cùng nước chấm chua ngọt, bún và rau thơm. Tuy đơn giản, nhưng lại là món ăn hấp dẫn khiến thực khách không thể quên.
Theo Báo Thể Thao Việt Nam