Cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch, đúng vào lúc vụ sắn thu hoạch, các bà nội trợ khéo tay lại làm món xôi sắn mỡ hành.
Sắn để thổi xôi phải là sắn tươi, mới được nhổ về từ những triền đồi trung du. Nếu nấu xôi bằng sắn cũ thì món ăn sẽ vừa đắng vừa sượng.
Sắn đem về, khía dao vòng quanh thân củ, rồi lột vỏ, rửa sạch. Sau đó đem xắt nhỏ hơn khẩu mía một chút, bỏ lõi rồi ngâm trong nước sạch ít nhất một giờ đồng hồ. Ngâm như thế để chất độc trong sắn thôi ra hết, ăn sắn sẽ không bị say.
Xôi muốn ngon thì phải chọn loại nếp nương – là loại gạo nếp trồng trên nương, hạt nếp đón nhiều nắng và dinh dưỡng từ đất đồi nên chắc dẻo và đậm đà. Nếp nương không đẹp mã, hạt to, thô nhưng khi hấp chín, hạt nếp sẽ trong vắt, mềm, dẻo vừa, xôi tơi mà chẳng cần thêm dầu mỡ. Đặc biệt, cái vị ngọt của gạo, mùi hương của núi rừng lan tỏa thơm lừng khắp gian bếp.
Gạo nếp ngâm xong vo và để ráo nước. Trộn gạo nếp và sắn theo tỉ lệ vừa phải, xóc chút muối hạt rồi cho vào chõ đồ. Lửa để to đều nhưng không để nước nồi đáy trào lên mặt chõ vì sẽ làm cho xôi bị nát.
Trong khi chờ xôi chín, rửa sạch mớ hành hoa, vẩy ráo nước, thái nhỏ. Lấy chảo đặt lên bếp, cho mỡ gà vào đun sôi, rồi đổ hành hoa vào xào qua là nhắc ra ngay. Nếu xào hành kỹ quá, hành sẽ ngả vàng, mất đi cái màu xanh vừa thơm vừa ngon mắt nổi bật trên nồi xôi trắng tinh vừa dỡ ra.
Ngày xưa, ăn xôi sắn chỉ chấm với muối vừng, nay có thể ăn kèm với ruốc tôm. Cái vị xôi sắn nếp nương nóng chấm muối vừng hấp dẫn lắm: Bùi thơm, bở béo, chắc dẻo, đậm đà. Thoảng chút vị ngọt tự nhiên của sắn tươi, nếp mới.
Xôi sắn là món quà dân dã nhưng thật đỏng đảnh. Trong khi các loại xôi khác đều có thể thổi sơ qua từ đêm, đến sáng đồ kỹ lại, đem đổ thúng ủ nóng, thì xôi sắn phải thổi ngay, ăn luôn. Nếu ngâm sắn qua đêm, miếng sắn sẽ vừa nhạt vừa sượng cứng. Nếu thổi xôi lẫn sắn để qua đêm đồ lại, màu sắn sẽ ngả vàng, màu hành sẽ úa xỉn, mất ngon.
Theo nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn