Cách TP Huế chừng 8km với khoảng 15 phút di chuyển bằng xe máy, đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) như đưa người lữ khách lạc vào một thế giới khác lạ, khung cảnh sông nước mênh mông, thanh bình.
Được xem như món quà mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Huế, đầm Chuồn là một “món ngon” đãi khách phương xa, với đặc sản là những chuyến đò chở khách ngao du sông nước, được thưởng thức những sản vị đặc trưng và có những đêm lênh đênh, hòa mình cùng nhịp sống của ngư dân.
“Nếu ai đã từng lặn lội sang tận Myanmar để ngắm cảnh đẹp hồ Inle, khi đến đầm Chuồn sẽ tin chắc một điều cảnh đẹp ở đây chẳng thua kém!”, nhiều người đã trầm trồ như thế trong lúc ngồi trên chiếc đò, chạy dọc trên đầm khi hoàng hôn ngả xuống, nhuộm một khung trời vàng đẹp đến nao lòng. Ngày trước, người ta đến đây để ngắm cảnh, chụp hình, về sau một vài căn nhà “chồ” kiên cố được làm bằng tre đặc trưng được dựng lên để “chiều lòng” du khách vui thú sông nước. Không lâu sau đó, đầm Chuồn trở thành điểm đến có thể xem là tiêu biểu trong hành trình phát triển du lịch đầm phá của vùng đất Cố đô.
Chỉ cần đến bến đò, du khách có rất nhiều lựa chọn, trải nghiệm khó quên như vào vai ngư dân, cùng họ đánh bắt thủy, hải sản, đi chợ trên đầm, ngủ lại qua đêm trên những căn nhà chồ giữa đầm và ngắm không gian “ngàn sao” chẳng khác gì một bức tranh trữ tình.
Bên cạnh cảnh đẹp, đầm Chuồn còn nổi tiếng với các loại thủy, hải sản như cá kình, cá dìa, cá móm, cá hanh, tôm sú, cua nước lợ… với hương vị độc đáo. Lão ngư Nguyễn Tiến Dũng, một trong những người khởi xướng du lịch cộng đồng ở đầm Chuồn nói rằng, rất nhiều du khách đến đây đều rung động trước cảnh sắc tuyệt mỹ. Anh sinh ra và lớn lên bên con nước gắn liền với đầm phá, mưu sinh cũng nhờ con tôm, con cá của đầm phá nên anh cảm thấy mang ơn. Dũng kể và nói đó cũng là lý do mà anh cùng bà con mở ra dịch vụ du lịch bình dân để du khách có những trải nghiệm dân dã.
Theo Báo Nhân dân
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |