Từ “sân khấu” đặc biệt là những thủy đình chốn thôn quê, những nghệ nhân rối nước làng Rạch đã nỗ lực, không ngừng sáng tạo để mang rối nước đi khắp xa gần, và “kéo” du khách về làng.
Nét mới nghề cổ, làng cổ
Điểm dừng chân đầu tiên của các doanh nghiệp du lịch trên cả nước để tìm kiếm, phát triển sản phẩm du lịch khi tới Nam Định là một làng nghề truyền thống: làng Rạch, thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định với nghề rối nước lâu đời.
Trên vùng quê hương nông thôn mới điển hình, làng Rạch hiện lên nét trù phú, với những con đường làng trải bê-tông sạch sẽ, phẳng phiu, nối liền từ trong các ngõ xóm ra đường chính trải nhựa. Nhìn từ bên ngoài, nhà cửa khang trang, cao rộng phía sau những hàng cây bóng mát dọc theo các con đường trong thôn, phản ánh rõ nét đời sống no ấm của người dân.
Du khách xem biểu diễn rối nước của Đoàn rối nước Sông Quê tại gia đinh nghệ nhân Phan Văn Mạnh. Ảnh: T.C
Trên đường về làng Rạch, hướng dẫn viên của đoàn giới thiệu: Làng Rạch có truyền thống rối nước từ mấy trăm năm, không ai biết chính xác, được các dòng họ Phan, Đặng đời đời truyền giữ và phát triển. Phường rối làng Rạch hiện có khoảng 1.000 con trò từ xưa truyền lại, với hơn 40 tích trò cổ như: câu cá, đánh đu, tễu rúc ống, bắt vịt, đốt pháo, mở cờ, các nàng tiên ca múa... Cùng với văn hóa nông nghiệp lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang tâm hồn đồng quê. Và ở mỗi thời kỳ, các nghệ nhân làng Rạch không ngừng sáng tác thêm các tích trò mới, nhằm tái hiện những câu chuyện lịch sử huy hoàng, những chiến thắng oai hùng của dân tộc. Có thể kể ra các tích trò mới như: tích trò Trưng Trắc - Trưng Nhị, tích Trần Hưng Đạo 3 lần đại phá quân Nguyên, Khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đồn bốt, bắn máy bay, bắt giặc lái… Làng Rạch còn nổi tiếng với nghề sơn mài và tạc tượng cho đền chùa.
Đón chúng tôi tại sân đình, phía trước khoảng sân là một thủy đình, nơi biểu diễn múa rối nước truyền thống của địa phương, ông Phan Văn Mạnh, Trưởng đoàn rối nước Sông Quê, xóm Rạch Tây cho biết: Trước kia, các phường rối chỉ biểu diễn mỗi khi có lễ hội ở địa phương. Những năm gần đây, khán giả chính của phường rối là du khách nên việc biểu diễn cũng có nhiều thay đổi, các phường rối tư nhân sáng tạo ra thủy đình di động, nhỏ và thuận tiện cho việc di chuyển, biểu diễn ở nhiều nơi phục vụ du khách hoặc biểu diễn tại nhà chỉ với 2 - 3 nghệ sĩ. Việc này cũng tạo điều kiện truyền dạy cho thế hệ trẻ nét độc đáo, tính nhân văn mà cha ông xưa gửi gắm trong nghề múa rối nước.
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh (áo trắng) biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: T.C
Cùng với sự phát triển nghề múa rối nước, công việc tạo tác các con rối nước luôn được các gia đình giữ gìn và phát triển theo kiểu “cha truyền, con nối”. Khi du lịch phát triển, du khách quan tâm nhiều đến rối nước, nhiều thợ chế tác rối nước đã nhanh nhạy chế tác vật lưu niệm hình các con rối nước nhỏ gọn vừa tạo thêm doanh thu, vừa góp phần giới thiệu rộng hơn về nghệ thuật múa rối nước dân gian. Chính vì thế, cùng với các sự tích cổ, số lượng các con rối nước theo hướng hiện đại cũng không ngừng phát triển phù hợp với thị hiếu đa dạng của khán giả, tăng thêm sức hấp dẫn cho rối nước. Các thợ chế tác cũng không ngừng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trau chuốt kỹ năng để tạo thêm nhiều con rối sinh động, phức tạp hơn góp phần vào thành công của các tiết mục, vở diễn...
Bảo tồn nghề cổ để phát triển kinh tế du lịch
Đã có những giai đoạn rối nước làng Rạch gặp nhiều khó khăn. Làng Rạch không thiếu những người biết biểu diễn rối nước, yêu rối nước bởi nghệ thuật rối nước đã gắn bó mật thiết với đời sống, trở thành niềm vui, niềm tự hào của mỗi người dân. Hơn nữa, người trong làng cũng luôn có ý thức bảo tồn nghệ thuật rối nước thông qua việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Song để những người trẻ tuổi tận tâm và một lòng theo nghề rối lại là vấn đề lớn. Mặc dù rối nước làng Rạch được đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc, thậm chí ra nước ngoài, song tiền thù lao không đủ để các nghệ nhân duy trì cuộc sống. Những nghệ nhân trụ cột của phường rối hầu hết tuổi đã cao, nếu không đào tạo được lớp kế cận, rất có thể phường rối và những tích trò cổ sẽ bị mai một. Để lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này, chỉ có niềm đam mê giữ lấy nghề tổ của các nghệ nhân, diễn viên rối nước thôi thì chưa đủ, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành hữu quan.
Nghệ nhân Phan Văn Triển chế tác quân rối. Ảnh: T.C
Những năm trở lại đây, du lịch văn hóa đã mở ra một hướng đi mới, vừa để phát triển kinh tế, vừa giúp bảo tồn nghề truyền thống, lưu giữ một nét văn hóa quý báu của cha ông để lại. Đại diện cho thế hệ nghệ nhân thứ 7 trong gia đình có truyền thống múa rối nước, nghệ nhân Phan Văn Mạnh chia sẻ: “Hiện nay, có quá nhiều loại hình giải trí nên lượng khán giả truyền thống của múa rối nước không còn nhiều. Trước kia, mỗi lần đi biểu diễn xa, đoàn của tôi cần ít nhất từ 5 đến 7 nghệ nhân. Để biểu diễn ngày 2 buổi với mức thù lao 500.000 đồng/người/ngày, họ phải mất 2 ngày để chuẩn bị và thu dọn đồ nghề, chưa kể tiền đi lại, ăn ở… nên tiền công chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, từ hồi phát triển du lịch, các nghệ nhân cũng mở thêm các thuỷ đình nhỏ biểu diễn tại nhà phục vụ du khách, mỗi lần chỉ 2 - 3 nghệ nhân là các thành viên trong gia đình”.
Anh Phan Văn Triển, chủ xưởng điêu khắc, tạc tượng, chế tác quân rối nước tại xóm Rạch Trung cho biết: “Hiện tại, mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất được 200 con rối nước theo đơn đặt hàng của khách, đủ để diễn 18 tích trò. Xưởng cũng chế tác thêm nhiều quân rối nhỏ, phục vụ du khách mua làm quà lưu niệm khi đến tham quan làng nghề. Thu nhập từ nghề chế tác con rối nước cũng từng bước được nâng cao do ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích nghệ thuật múa rối nước”.
Xem các nghệ nhân biểu diễn rối nước trên “sân khấu” thủy đình nhỏ tại nhà nghệ nhân Phan Văn Mạnh, hướng dẫn viên của đoàn khảo sát chia sẻ: “Hiện nay, du khách quốc tế đến Việt Nam đánh giá rất cao nghệ thuật múa rối nước. Giá vé xem rối nước tại Nhà hát múa rối Thăng Long, Hà Nội dao động từ 100.000 - 200.000 đồng và luôn phải đặt trước mới có vé. Đến làng Rạch, du khách không chỉ được xem biểu diễn trực tiếp trong không gian truyền thống, gắn liền với đời sống của các nghệ nhân mà còn được trải nghiệm, thử điều khiển con rối cùng các nghệ nhân… khiến du khách rất thích thú. Đây cũng là điểm nhấn tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm tour du khảo đồng quê của nhiều doanh nghiệp lữ hành, hấp dẫn du khách quốc tế”.
Cả thôn Rạch hiện có 7 hộ gia công quân rối nước, thỏa mãn nhu cầu đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách quốc tế. Đây thực sự là hướng đi tích cực, tạo động lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề rối nước ở làng Rạch./.