Muốn đến hang Nhà Trò, ta phải đi bằng thuyền nhỏ, bởi khu vực hang chưa được đầu tư các bến cập tàu nên các con tàu lớn không vào được. Tuy du lịch Vân Đồn phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng hang Nhà Trò vẫn giống như “Người đẹp ngủ trong rừng” chờ được đánh thức dậy. Hiện nay việc ra vào hang, huyện Vân Đồn giao cho UBND xã Bản Sen quản lý chặt chẽ để giữ gìn vẻ đẹp nguyên thủy của hang. Hang Nhà Trò đang chờ đợi một nhà đầu tư thực sự có năng lực để đánh thức tiềm năng vẫn đang ngủ quên này.
Trong lòng hang có khoảng không gian rộng giống như một sân khấu lớn
Có lẽ nơi đây từng là ngôi nhà của người Việt cổ, vì trước cửa hang, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự hóa thạch của những vỏ sò, vỏ ốc, dấu hiệu cuộc sống con người từ rất xa xưa. Vì sao gọi là hang Nhà Trò? Nếu câu hỏi này được đặt ra thì ngay cả những người cao tuổi nhất ở xã Bản Sen cũng không biết, họ chỉ biết rằng từ xa xưa đã có người gọi thế rồi.
Xung quanh "sân khấu", các nhũ đá giống như tấm rèm nhung
Vào trong lòng hang, chúng tôi thấy việc đặt tên hang Nhà Trò hẳn rất có lý. Tuy chưa có tài liệu viết về ai đã đặt cho hang cái tên này, nhưng qua quan sát của chúng tôi từ cửa hang đến khu vực chính của hang, thì hẳn cái tên Nhà Trò, có thể là từ Việt cổ chỉ một nơi thường diễn ra những trò vui cũng giống như ngày nay ta thường gọi nơi đó là nhà hát. Vì từ lối đi vào, có rất nhiều nhũ đá nom giống hình muông thú, đi sâu vào trong hang có một khoảng trống rộng khoảng 50m2 rất giống khu vực sân khấu. Xung quanh “sân khấu” có các nhũ đá xếp thành nếp giống như tấm rèm nhung, ở hai bên có lối ra vào giống như cánh gà sân khấu, có các nhũ đá giống hình thù quái vật tượng trưng cho phái ác, hay hình đầu người ngộ nghĩnh tượng trưng cho phái thiện. Từ cấu trúc của hang và các nhũ đá mang hình dáng độc đáo đó, phải chăng vì thế mà hình thành cái tên hang Nhà Trò.
Bên cạnh sân khấu giống như cánh gà, lối ra vào của diễn viên
Không chỉ là thắng cảnh đẹp tự nhiên, hang Nhà Trò còn là địa điểm khảo cổ có giá trị. Theo nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam ở hang Nhà Trò, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các loại vỏ ốc tròn và dẹt là loại ốc nước ngọt có tên là menali, thức ăn chủ yếu của người tiền sử. Lẫn trong tầng hoá thạch có cả đá cát két, thứ công cụ làm chày nghiền thuộc kỷ đồ đá mới cách ngày nay 5 - 7 nghìn năm. Hang Nhà Trò còn có gốm cái bèo (gốm cổ có độ tuổi khoảng 5 - 6 nghìn năm), các hòn ghè hình rìu đá.
Viện khảo cổ học Việt Nam khẳng định hang Nhà Trò là một chi lưu thuộc văn hoá Hòa Bình, và nơi đây chính là một “kho báu” lịch sử. Sự phát lộ của hang Nhà Trò chính là một cứ liệu vững chắc làm sáng tỏ nguồn gốc và tính hệ thống liên tục không thể phủ nhận về một nền văn hoá Hạ Long sớm xuất hiện ngay từ thời kỳ đồ đá cũ và xuyên qua thời kỳ đồ đá mới thuộc văn hoá Hoà Bình cách ngày nay khoảng 20.000 - 5.000 năm.
Hang Nhà Trò vẫn đang chờ các nhà đầu tư có tiềm năng và cánh cửa du lịch đang được mở rộng, vì xã Bản Sen nằm rất gần các xã Minh Châu, Quan Lạn đều là các xã có bãi biển đẹp và du lịch đang rất phát triển. Trong tương lai không xa, hang Nhà Trò sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong tour du lịch liên xã Minh Châu – Quan Lạn – Bản Sen (Vân Đồn).
Theo Báo Quảng Ninh