Nét đẹp của thiếu nữ vùng cao.
Hiếm có địa phương miền núi nào như A Lưới có được tiềm năng và thế mạnh rất lớn về phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa tộc người,... đến du lịch các điểm văn hóa cách mạng.
Mỗi một loại hình du lịch nơi đây đều có những thế mạnh và nét đặc trưng riêng. Về du lịch sinh thái có nhiều điểm hấp dẫn như chuỗi thác liên hoàn A Nôr (xã Hồng Kim), thác Pông Chất, hang động Kềnh Crâm (xã A Roàng), suối nước nóng Tôm Trung, khu du lịch Farmstay Cân Tôm (xã Hồng Hạ) rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hùng vĩ.
Đối với du lịch di tích lịch sử cách mạng thì có nhiều địa điểm nổi tiếng gắn liền với 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc như cụm địa đạo Động So, địa đạo Lam Sơn, đồi ABia, động Tiên Công, địa đạo Puúc, địa đạo AĐoon, địa đạo ABó, địa đạo Tà Lương, sân bay A So, sân bay A Lưới, sân bay A Co...
Hát mừng lúa mới.
Đến với A Lưới du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch Homestay trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới như nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà Rông của dân tộc Tà Ôi, nhà Dài của dân tộc Pa Cô. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những bàn tay tài nghệ của phụ nữ người Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt thổ cẩm truyền thống Dèng. Đến với A Lưới, du khách còn được hòa mình vào các lễ hội của các dân tộc, như: Lễ A riêu Car , lễ A riêu Ada (Lễ mừng lúa mới), lễ A Riêu Piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mả), Lễ hội cầu mùa (A riêu tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ giúp đỡ),… Thưởng thức loại hình văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca như Hát Kâr lơi, Ba boih, Cha chấp, Xiềng… mang âm hưởng, hơi thở của núi rừng Trường Sơn; tìm hiểu phong tục, tập quán đặc sắc, khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc nơi đây; thưởng thức những món ăn, thức uống được chế biến rất cầu kỳ, độc đáo mang đậm chất vùng cao như Ka Lèng, thịt khô gác bếp, rượu cần, súp sắn, đọt mây nướng, cá nướng đùm lá chuối, bánh A Quát, A Chót và cơm lam,…
Bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới.
Bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2019, A Lưới đón khoảng 59.768 lượt khách (quốc tế và nội địa) đến tham quan. Huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, các công ty lữ hành khảo sát và chọn các điểm lắp đặt bản đồ City Map tại các điểm du lịch; Xây dựng các tour tuyến đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện gắn với các sự kiện lớn diễn ra tại vùng cao A Lưới; Công ty du lịch Việt Nam – Hà Nội chi nhánh Huế lên phương án triển khai các hoạt động “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại Làng Việt Tiến, xã Hồng Kim, huyện A Lưới”; Sở Du lịch tỉnh và các điểm du lịch trên địa bàn huyện phối hợp khảo sát, điều tra về nhu cầu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dịch vụ du lịch phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Bà Thêm cho biết thêm: Đơn vị cũng đã phối hợp với Viện Quản lý và Phát triển châu Á khảo sát và thảo luận kế hoạch triển khai “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái thí điểm tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế” của Dự án Trường Sơn Xanh tại Làng Di tích lịch sử A Nôr – Việt Tiến, xã Hồng Kim.
Thế hệ trẻ vùng cao A Lưới khôi phục lại những giá trị văn hóa của cha ông, tại famstay Hồng Hạ.
Để du lịch A Lưới có nét đặc trưng riêng chẳng nơi nào có được, thì địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa và góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bản sắc văn hóa, các lễ hội truyền thống cho thế hệ trẻ, vận động nhân dân khôi phục lại những giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Xây dựng chương trình giao lưu văn hóa giữa các làng, thôn gắn với hoạt động du lịch về nguồn nhằm phát huy tối đa giá trị của các di sản văn hóa.
Trong thời gian vừa qua, tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nhưng du lịch A Lưới vẫn chưa được đầu tư đúng mức, nguồn vốn đầu tư lại ít nên tài nguyên du lịch của huyện vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng để hấp dẫn khách du lịch, chưa có một chiến lược tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn trên cơ sở đánh giá có hệ thống những tiềm năng, những điều kiện về kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch.
Do đó, việc liên kết du lịch, nghiên cứu tiềm năng du lịch huyện A Lưới và đề xuất các định hướng phát triển du lịch là rất cần thiết, là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, tạo cơ sở cho việc quản lý, khai thác có hiệu qủa những tiềm năng du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch nhằm đưa du lịch A Lưới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Dệt Dèng A Lưới đang thu hút khách du lịch.
Tạo đà vững chắc để giới thiệu, quảng bá và phát triển du lịch huyện A Lưới, phấn đấu trong thời gian tới, A Lưới trở thành đô thị phía Tây của tỉnh trong sự gắn kết với hệ thống đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai. Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Du lịch là một trong những lĩnh vực mà A Lưới có tiềm năng và lợi thế. Do đó, địa phương cần phải suy nghĩ để phát triển lĩnh vực này mạnh hơn. Chúng ta có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng, có nhiều danh lam thắng cảnh, với văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc… Tôi đề nghị lãnh đạo huyện cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy, đột phá phát triển du lịch. Với cơ sở hạ tầng, đường sá như hiện nay thì tôi nghĩ A Lưới đủ điều kiện để phát triển du lịch”.
Theo congluan.vn