Nhắc đến Đờn ca tài tử Nam Bộ, bản "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất, mang lại sự thay đổi một phần cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng, và cải lương Việt Nam nói chung.
Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xây dựng tại thành phố Bạc Liêu, với tổng diện tích sau nhiều lần mở rộng, tu bổ là hơn 12.000 m2, nhằm tri ân và tưởng nhớ những đóng góp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đồng thời khẳng định lại Bạc Liêu là một trong những “chiếc nôi” đã hình thành và phát triển Đờn ca tài tử cũng như nghệ thuật cải lương.
Khu di tích lưu niệm bao gồm nhiều công trình như khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những người thân, tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ của nền cải lương Nam bộ, khu vực biểu tượng cây đàn kìm, sân khấu ngoài trời,..
Tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Gây ấn tượng nhất với du khách là biểu tượng cây đàn kìm, tượng trưng cho Đờn ca tài tử Nam Bộ cũng như gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây cũng là nơi du khách thắp hương tưởng niệm, đặt lư hương.
Nếu muốn chiêm ngưỡng những tư liệu quý về nghệ thuật đờn ca tài tử hay ngắm nhìn hình ảnh của các nghệ sĩ, nghệ nhân cải lương tiêu biểu của Bạc Liêu thì khu trưng bày là nơi du khách nhất định phải tham quan.
Tại đây, phục trang sân khấu của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, những cảnh phục dựng đờn ca tài tử bằng sáp, hay những nhạc cụ cổ của các nghệ nhân đều có mặt.
Khu trưng bày hình ảnh các ông tổ của nền cải lương
Từ nhiều năm nay, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu vẫn luôn là điểm đến mà nhiều du khách lựa chọn mỗi khi có dịp ghé thăm Bạc Liêu. Không chỉ để bày tỏ tình cảm với vị nhạc sĩ tài hoa, mà còn là cách để những người yêu thích môn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tìm hiểu sâu hơn những giá trị của môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể.
Hoàng Dương