Văn hóa

Người thương binh gần 50 năm giữ Đền thờ Bác Hồ

12:18 - 16/05/2020
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây có một người thương binh gần 50 năm qua đã lặng lẽ bảo vệ, gìn giữ bằng cả tấm lòng tôn kính. Ông tên là Nguyễn Văn Khoa, người dân trong vùng thường gọi với cái tên trìu mến bác Bảy Khoa.

Ông Bảy Khoa kể, cách đây hơn 50 năm, sau khi được tin Bác Hồ vĩnh viễn đi xa, quân dân huyện Vĩnh Lợi vô cùng bàng hoàng, đau đớn. Vì tình yêu thương của Bác đối với nhân dân miền Nam ruột thịt nên Đảng bộ và nhân dân nơi đây có tâm nguyện chung là xây dựng Đền thờ Bác ngay tại quê hương để ngày đêm hương khói cho Người; củng cố thêm niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn. 

Cổng chính vào Đền thờ Bác Hồ sau khi được trùng tu, mở rộng, nâng cấp

Ông Bảy Khoa bên Đền thờ Bác Hồ

Đúng kỷ niệm 82 năm ngày sinh của Bác (19/5/1972), Đền thờ Bác Hồ được xây dựng hoàn tất, khi ấy ông được phân công làm Đội trưởng đội bảo vệ Đền thờ gồm 7 người. Những năm tháng đó, xung quanh Đền thờ Bác có tới sáu đồn giặc đóng theo thế gọng kìm, đồn gần nhất khoảng một km, đồn xa nhất khoảng ba km và chúng thường xuyên càn quét, bắn phá. Tuy nhiên Đền thờ Bác Hồ vẫn được quân và dân huyện Vĩnh Lợi bảo vệ, giữ gìn bằng cả trái tim và xương máu. Trong một trận đánh bảo vệ Đền thờ Bác và Xã ủy Châu Thới, không may đạp phải trái pháo khiến ông Bảy Khoa bị thương tật vĩnh viễn ở chân và nhiều nơi trên cơ thể. Với tinh thần kiên cường chiến đấu, bảo vệ ngôi đền thờ Bác trước sự tấn công của địch nên có lần xã Châu Thới đã phát động phong trào “Noi gương tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng chí Bảy Khoa và Đội bảo vệ Đền thờ Bác Hồ”.

Bác Bảy Khoa chia sẻ: "Về phía địch nó cương quyết bằng mọi giá nó phải phá để dằn phong trào nhưng nói chung ở đây mình cương quyết giữ. Có những lúc nó đánh mình tưởng mình hy sinh nhưng mình vẫn bảo vệ được. Có lần ác liệt nhất nó đưa 4 chiếc máy bay nó bắn vô Đền thờ thì nói chung lực lượng mình bắn lên, rồi một số bắn chạy ra ngoài đồng để mà nó theo thì cuối cùng mình bảo vệ được an toàn Đền thờ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng."

Năm 1998, Đền thờ Bác Hồ tại đây được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tỉnh Bạc Liêu đã trùng tu, mở rộng, nâng cấp Đền thờ Bác giai đoạn 1, với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng, do Trung ương cùng địa phương đầu tư và nhân dân đóng góp. 

Ông Bảy Khoa hướng dẫn học sinh vào thắp hương viếng Bác

Ông Bảy Khoa kể cho các em học sinh nghe chuyện bảo vệ Đền thờ Bác Hồ

Hiện nay, Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới được đánh giá là Đền thờ Bác đẹp nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Chị Nguyễn Thị Như Yến, công tác tại Ban quản lý Di tích tỉnh Bạc Liêu, là thuyết minh viên tại Đền thờ Bác Hồ cho biết, ngoài công việc hàng ngày như quét dọn, làm cỏ, chăm sóc cây cảnh, giữa gìn an ninh trật tự, thắp hương cho Bác, hướng dẫn khách tham quan, ông Bảy Khoa còn là nhân chứng sống kể lại cho du khách những câu chuyện lịch sử bi hùng ở vùng đất này, nhất là việc hình thành, xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất.

Chị Nguyễn Thị Như Yến chia sẻ: "Bác rất là nhiệt huyết với Đền thờ. Bác trực cả ngày ở đây, đến hết ca buổi chiều Bác mới về. Tụi em là thuyết minh nhưng tụi em kinh nghiệm không bằng Bác. Bác rất nhiều kinh nghiệm, với lại Bác là một nhân chứng sống."

Ông Nguyễn Bình Tân- Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi cho biết, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Lợi rất tự hào khi trên địa bàn có Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ. Nơi đây đã trở thành địa điểm để tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước, phát động  cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh" trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, ông Bảy Khoa có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác này, bên cạnh việc gìn giữ Đền thờ Bác. Người thương binh già được nhiều cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh biết đến và trân trọng, quý mến, khâm phục.

Ông Nguyễn Bình Tân cho hay: "Chúng tôi phát huy cái giá trị của khu Di tích cấp Quốc gia này bằng nhiều cái hoạt động giáo dục truyền thống, nhất là cho thế hệ trẻ, cho học sinh. Góp phần vào cái việc giáo dục truyền thống đó có sự đóng góp của bác Bảy Khoa. Từ cái sự cần mẫn thực hiện nhiệm vụ của mình vì tình cảm, tấm lòng đối với Bác Hồ kính yêu của chúng ta thành ra bác Bảy Khoa được tuyên dương điển hình tiên tiến về học tập Bác Hồ của huyện, của tỉnh và bác cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen."

Cách nay 3 năm, ông Bảy Khoa phải nhập viện để mổ cột sống nhằm tránh di chứng thương tật có thể làm chân bị liệt. Một năm sau đó, ông lại tiếp tục nhập viện để mổ tim. Ở tuổi 70 tuổi, bị bệnh tật hành hạ, sức khỏe yếu kém; thường xuyên chăm sóc người vợ bị tai biến đã mười mấy năm nay, nhưng với khí chất của người lính, ông vẫn kiên cường vượt qua khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 

Tỉnh ủy Bạc Liêu tuyên dương ông Bảy Khoa 

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng ông Bảy Khoa

Ông tâm niệm rằng Đền thờ Bác Hồ là nơi thiêng liêng mà ông nguyện gắn bó, giữ gìn cho đến ngày xuôi tay, nhắm mắt: "Mình luôn luôn lúc nào cũng tưởng nhớ đến công ơn của Bác để giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho đất nước mình được hòa bình, độc lập, cơm no, áo ấm. Nói chung cái tâm tư, nguyện vọng của mình thì đến khi nào mình chết thôi, còn nếu còn sống, còn đi được thì mình vẫn tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, thắp hương cho Bác."

Tháng 5, con đường từ Quốc lộ 1 xuôi về Đền thờ Bác Hồ, con sông Bà Chăng trước Đền thờ Bác rợp màu hoa phượng đỏ. Ông Bảy Khoa cho biết, năm nào cũng vậy, vào thời điểm này người dân từ mọi miền đất nước lại về đây dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Bác nhiều hơn. 

Đường về Đền thờ Bác Hồ 

Con sông Bà Chăng cạnh Đền thờ Bác, nơi quân dân Vĩnh Lợi đã đánh bại nhiều cuộc càn quét của giặc để bảo vệ Đền thờ Bác Hồ

Ông Bảy Khoa bộc bạch, hàng ngày có mặt ở Đền thờ Bác Hồ, ngoài tấm lòng yêu thương, tôn kính Bác, ông còn muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện về Đảng bộ, nhân dân Châu Thới anh hùng, dù trong thời điểm nào vẫn một lòng son sắt, thủy chung theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn./.

Tấn Phong/VOV ĐBSCL

Tỉnh thành Bạc Liêu

Bạc Liêu
Bạc Liêu là một tỉnh duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau.

Điểm đến Bạc Liêu Xem thêm

Cánh đồng quạt gió Bạc Liêu
Cánh đồng quạt gió khổng lồ trên biển là điểm nhấn mới đầy ấn tượng của du lịch Bạc Liêu.
Khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Về Bạc Liêu, đừng quên ghé thăm Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ ca khúc "Dạ cổ hoài lang".
Chùa Xiêm Cán
Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ.
Chùa Quan Đế
Ngôi chùa mang đậm lối kiến trúc văn hóa của người Hoa trên mảnh đất Bạc Liêu.
Chùa Ghositaram
Chùa Ghositaram, ngôi chùa theo Phật giáo Nam Tông rực rỡ nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Cánh đồng muối Bạc Liêu
Hạt muối Bạc Liêu từ xưa đã nổi tiếng tại Nam Bộ, là sản phẩm gắn liền với những người đi khai phá vùng đất mới ven biển. Mùa làm...
Tháp cổ nghìn năm bí ẩn
Có niên đại từ thế kỷ 9, nhiều cổ vật trong lòng đất xung quanh tháp cổ Vĩnh Hưng ở Bạc Liêu đã phát lộ trong các lần khai quật...
Những ngôi nhà cổ trên đất nước Việt Nam
Những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm với kiến trúc cổ điển đã trở thành những giá trị di sản cần được bảo tồn. Có những...
Độc đáo ngôi chùa của chị Công tử Bạc Liêu
Được xây dựng theo lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp, đan xen hài hòa tạo nên nét độc đáo của chùa Giác Hoa, Bạc Liêu. Đến tham...

Ẩm thực Bạc Liêu Xem thêm

Cá lóc nướng mía Bạc Liêu níu chân du khách
Một phần cá lóc nướng mía có giá 90.000 đồng, không chỉ được những chị em ưa ăn vặt lựa chọn mà còn là "mồi" nhậu ưa thích của...
Chỉ mặt điểm tên những món ngon đất Bạc Liêu
Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng là nơi câu vọng cổ đầu tiên được cất lên, mà còn có những đặc sản trứ danh thấy là mê.

Trải nghiệm Bạc Liêu Xem thêm

Về xứ “ăn chơi” Bạc Liêu tìm những dấu ấn đẹp
Xứ sở Bạc Liêu không chỉ có các giai thoại, nơi đây còn là sự pha trộn nền văn hóa độc đáo giữa người Kinh, Hoa và Kh'mer để bạn...
Dạo chơi ở Hồng Dân
Dạo gần đây, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, được nhiều người chọn đến trong hành trình khám phá miền Tây sông nước. Một vùng nông...
Bình lặng Bạc Liêu
Đến với Bạc Liêu, du khách không thể không tham quan "cánh đồng điện gió" Bạc Liêu - một trong mười điểm du lịch tiêu biểu của...
Chiêm ngưỡng những công trình kỷ lục Việt Nam tại quảng trường lớn nhất ĐBSCL
Quảng trường Hùng Vương đã trở thành địa điểm tổ chức các cuộc mít tinh, những sự kiện lớn của tỉnh, đồng thời là nơi vui chơi,...

Cẩm nang du lịch Bạc Liêu Xem thêm

Những điểm đến dịp Tết Dương lịch ở miền Tây
4 ngày nghỉ Tết Dương lịch là một cơ hội hiếm có để "xách ba lô lên và đi" khám phá các địa điểm du lịch miền Tây.