Nhắc đến Bạc Liêu, nhiều người nghĩ ngay đến nơi sản sinh ra bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, hay những giai thoại xoay quanh “Công tử Bạc Liêu”, những cánh đồng điện gió hoặc những khu du lịch tâm linh nổi tiếng như Quán âm Phật đài, Thánh đường Tắc Sậy....
Tuy nhiên, ngoài ra, còn có một địa điểm hấp dẫn, được nhiều người nhắc đến là Quảng trường Hùng Vương.
Quảng trường Hùng Vương được xem là quảng trường lớn nhất khu vực ĐBSCL hiện nay. Ảnh: Phúc Nguyên
Quảng trường Hùng Vương nằm ngay tại trung tâm của TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), ngay tại mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Tất Thành – Hùng Vương – Trần Huỳnh (phường 1). Được khánh thành vào năm 2014, Quảng trường Hùng Vương có tổng diện tích sử dụng trên 85.000m2, trong đó mặt bằng sân quảng trường là trên 40.000m2. Toàn bộ sân được lát bằng đá tự nhiên màu xám nhạt xen kẽ xám đậm trông như những nốt nhạc rất sinh động. Quảng trường Hùng Vương cũng được xem là quảng trường lớn nhất khu vực ĐBSCL hiện nay.
Tại vị trí trang trọng nhất, trung tâm nhất của Quảng trường Hùng Vương là cột cờ cao hơn 20m đứng hiên ngang với lá cờ đỏ sao vàng. Ảnh: Phúc Nguyên
Khu vực quảng trường bao gồm nhiều công trình kiến trúc được bố trí thành một quần thể khá hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Nổi bật nhất là cây đàn kìm được đặt trên đóa sen cách điệu thể hiện sự trường tồn và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ nói chung và của văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất Bạc Liêu nói riêng. Cây đàn kìm này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cây đàn kìm lớn nhất Việt Nam với tổng chiều cao 18,6m, được dựng trên 5 cánh sen trong hồ nước hình ngôi sao 5 cánh.
Nổi bật nhất tại trung tâm của Quảng trường Hùng Vương chính là cây đàn kìm được đặt trên đóa sen cách điệu. Ảnh: Phúc Nguyên
Ngoài ra, trong khuôn viên quảng trường còn có Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu được thiết kế theo hình dáng 3 chiếc nón lá, chóp nón hướng vào nhau với tổng diện tích 2.262m2. Bên cạnh đó, 3 khối tượng cao 9m, biểu trưng cho sự đoàn kết, gắn bó, chung sức chung lòng của cộng đồng dân tộc Kinh – Khmer - Hoa cũng là một điểm nhấn của quảng trường.
Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu được thiết kế theo hình dáng 3 chiếc nón lá, chóp nón hướng vào nhau. Ảnh: Phúc Nguyên
Trên 3 khối tượng này có khắc các nhóm số đánh dấu những mốc lịch sử quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.
Ba khối tượng cao 9 m, biểu trưng cho sự đoàn kết, gắn bó, chung sức chung lòng của cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer - Hoa. Ảnh: Phúc Nguyên
Trong quần thể các công trình kiến trúc của Quảng trường Hùng Vương còn có đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tượng đài sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm Mậu Thân (1968), cùng với đó là biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu – Ninh Bình.
Trong quần thể các công trình kiến trúc của Quảng trường Hùng Vương còn có đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Phúc Nguyên
Đây là những công trình mang giá trị lịch sử to lớn, khắc họa thời khắc lịch sử hào hùng của Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện tấm lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống lịch sử - văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Biểu tượng kết nghĩa giữa Bạc Liêu - Ninh Bình đã khiến cho Quảng trường Hùng Vương càng thêm đậm đà ý nghĩa. Ảnh: Phúc Nguyên
Quảng trường Hùng Vương đã trở thành địa điểm tổ chức các cuộc mít tinh, những sự kiện lớn của tỉnh, đồng thời là nơi vui chơi, giải trí cho người dân.
Không chỉ là nơi trưng bày những biểu tượng văn hóa, Quảng trường Hùng Vương cũng là nơi nhiều người dân trong thành phố đến vui chơi, vừa để hít thở không khí trong lành, vừa tham gia sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Phúc Nguyên
Phúc Nguyên/ nld.com.vn