Đất nước Nhật Bản thời shogun với các võ sĩ oai phong, sẵn sàng xả thân vì chủ luôn khiến người ta tò mò. Giờ đây, thời của các shogun và võ sĩ đã qua, những gì còn lại không nhiều, nhưng vẫn đủ để cho du khách khám phá. Thành Himeji là một trong số đó. Đến thăm thành, nghe những câu chuyện kể, du khách sẽ có được những hình dung nhất định về một thời Nhật Bản Chiến quốc rầm rập kiếm gươm, với những pháo đài, thành quách kiên cố phục vụ cho những cuộc chiến tranh giành quyền lực.
Thành Himeji thuộc thành phố Himeji, cách ga Himeji chỉ khoảng 15 phút đi bộ. Đường đi tới Himeji rất thuận lợi vì ga Himeji cách ga Kyoto 1,5 tiếng đồng hồ tàu nhanh trên tuyến JR Kyoto Line/Kobe Line (không cần chuyển tàu), cách ga Shin-Osaka khoảng 1 tiếng đồng hồ tàu nhanh tuyến JR Kobe Line, và cách Kobe chỉ 35 phút. Nếu đi tàu Shinkansen, từ Kyoto tới Himeji chỉ còn 45 phút. Nhờ đường đi thuận lợi nên Himeji lúc nào cũng tấp nập du khách.
Cổng Otemon cạnh cầu Anh đào
Sau khi đi qua cổng chính Otemon, du khách sẽ vào khu vực sân mở cửa cho công chúng vào tham quan miễn phí. Sân này được gọi là San-no-maru, có bãi cỏ rộng với nhiều cây anh đào, là nơi ngắm hoa anh đào nổi tiếng vào mùa xuân.
Bãi cỏ rộng San-no-maru, bao quanh là các hàng cây anh đào
Muốn vào tham quan bên trong, du khách cần mua vé để đi qua cổng Hishi (1000 yên/người lớn; 300 yên/trẻ em). Qua cánh cổng này mới thực sự bước vào bên trong pháo đài.
Cổng Hishi là cổng cao và lớn nhất trong thành
Vốn có nguồn gốc từ thế kỷ 14, khoảng thế kỷ 15, khi Nhật Bản bắt đầu bước vào thời Chiến quốc (1478-1605), các lãnh chúa tranh giành tước vị shogun (tướng quân - tương đương với tể tướng) ngôi thành đã được xây dựng lại và trở thành một pháo đài phòng thủ chiến lược ở phía tây Kyoto. Đây là một kiệt tác phòng thủ bằng gỗ, là công trình tài ba nhất của những người thợ Nhật Bản vào thời kỳ hoàng kim của kỹ thuật xây dựng thành quách của Nhật.
Ngôi thành tồn tại ngày nay được hoàn thành vào năm 1609 (đầu thời kỳ Edo) dưới thời của lãnh chúa Ikeda Terumasa, bao gồm 83 hạng mục nối liền với nhau bằng những lối đi ngoằn ngoèo như mê cung, tạo thành nhiều lớp phòng thủ và khiến cho những kẻ tấn công dễ dàng lạc lối.
Một đoạn lối đi ngoằn ngoèo như mê cung trong thành. Trên tường có những lỗ châu mai để bắn tên ra ngoài cũng như quan sát kẻ địch đang tìm cách xâm nhập
Các lối đi được chặn bằng nhiều lớp cổng, cánh cổng gỗ bọc thép chắc chắn Phải đi qua rất nhiều lớp cổng mới lên được tháp chính
Công trình ẩn chứa những kỹ thuật phòng thủ tài ba. Ví dụ như vách đá tường thành cong ra ngoài khiến cho kẻ địch khó lòng leo qua nổi, hay vách tường trắng đắp bằng đất sét và cát cứng đến mức đạn không thể xuyên thủng.
Tường thành thường đắp bằng đá ở phần dưới, phần trên là đất sét trộn cát cứng đạn không thể xuyên thủng
Cửa sổ ken chấn song dày để ngăn tên bắn và sự xâm nhập của kẻ địch
Trong thành có nhiều giếng nước để cung cấp nước trong trường hợp bị bao vây
Thành Himeji được coi là một ngôi thành kỳ tích. Chống đỡ cho tòa tháp chính là hai cây cột phía đông và phía tây, trong đó, cột lớn phía đông là cây cột nguyên bản chống đỡ cho thành từ 400 năm trước. Còn cây cột lớn phía tây cao 25 mét, ghép từ 2 thân cây lớn lại, vươn cao từ chân tầng hầm đến sàn của tầng cao nhất (tầng 6).
Cột lớn phía tây cao 25 mét từ tầng hầm lên tầng 6
Trong tháp chính có những góc ẩn náu để trốn khi bị tấn công
Giá để vũ khí trong tòa tháp chính
Himeji ngoài việc là một pháo đài phòng thủ kiên cố, còn là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp với 5 tầng mái vươn cao duyên dáng và tường đất toàn bộ đắp thạch cao trắng nên còn được gọi là “Lâu đài Diệc trắng” (Hakuro-jo.)
Từ trên ngôi tháp canh này có thể ngắm được toàn bộ thành Himeji
Hành lang trăm gian Nagatsubone nhìn từ trên tầng 6 của tòa tháp chính
Đầu đao hình cá chép trên mái tầng 5 của tòa thành
Thành Himeji hiện có ba loại đầu đao cá chép, ghi dấu ấn ba lần trùng tu thành lớn vào các thời Meiji, Showa và Heisei
Thành Himeji - còn gọi là Lâu đài Diệc trắng – được coi là ngôi thành đẹp nhất Nhật Bản còn tồn tại tới ngày nay. Thành Himeji và chùa Horyu-ji ở Nara trở thành hai Di sản thế giới đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1993. Theo UNESCO, Himeji là kiến trúc thành cổ đẹp nhất Nhật Bản còn nguyên vẹn cho tới ngày nay. Khác với nhiều ngôi thành Nhật Bản khác, thành Himeji chưa bao giờ bị hủy hoại bởi động đất, chiến tranh và tới ngày nay, là 1 trong 12 ngôi thành nguyên bản ở Nhật Bản. |
Lương Anh/Vietnam Journey