Ẩn mình giữa rừng xanh đại ngàn, A Lưới là một trong số ít những địa phương còn giữ được nét quyến rũ hoang sơ của núi rừng. Nhiều người biết đến nơi đây qua cánh rừng nguyên sinh A Roàng, thác A Nôr…, nhưng nếu đi để trải nghiệm và tìm hiểu những dấu mốc lịch sử, nên chọn đến những hang động, địa đạo ở A Lưới.
Thiên nhiên hùng vĩ nơi đây được in đậm bởi những cánh rừng nguyên sinh trải dài, trùng điệp. Lợi dụng địa hình địa vật tại địa phương, bộ đội và đồng bào các dân tộc đã tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có như các hang động có trong tự nhiên hoặc xây dựng bằng sức người sức của địa phương để phục vụ cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đất nước, dân làng. Tại huyện vùng cao này, có thể ghé thăm rất nhiều hang động, địa đạo.
A Lưới có những hang động, như: Tiên Công, Koòng, Koòng Óc, Pâr Lêêch… hay những địa đạo, như A Đon, A Nôr, A Púc, A Ting, Còng Abó, Cốp, Địa đạo 49, Ông Hồ, A So - A Túc, An Hô… Những hang động, địa đạo này nằm ở nhiều địa phương của huyện A Lưới và gần như không quá khó tìm. Chỉ cần “tra google” hoặc đơn giản hơn là hỏi người dân, mọi người đều có thể đến được.
Nhiều lần lên A Lưới, tôi có dịp tìm đến nhiều trong số những hang động, địa đạo trên, trong đó có khá nhiều kỷ niệm, ấn tượng với địa đạo A Đon. Địa đạo này nằm dưới chân đồi A Đon thuộc xã Hồng Quảng cũ, nay là xã Quảng Nhâm, cách thị trấn A Lưới khoảng 3km về phía tây, cách TP. Huế 72km về phía tây bắc. Thời điểm tôi đến, khu địa đạo vẫn còn khá nguyên vẹn. Địa đạo A Đon có ba cửa, hai cửa thông nhau, đường hầm khoảng 20 mét. Một trong hai cửa này bị lấp chút ít do bom rơi trúng gần cửa hầm.
Lần tìm những thông tin lịch sử, tại đây những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công Mậu Thân xuân 1968, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, sự góp sức của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thường vụ Khu ủy Quân khu Trị Thiên Huế quyết định đào địa đạo để đặt hệ thống phát thanh giải phóng của quân khu Trị Thiên Huế. Sự xuất hiện kịp thời của Đài Phát thanh Giải phóng Quân khu Trị Thiên Huế, đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần các cán bộ, chiến sĩ, góp phần làm nên thắng lợi của quân dân Trị Thiên Huế trong những ngày này, mặc cho sự cay cú điên cuồng của kẻ địch.
May mắn tìm được những nhân chứng lịch sử địa phương để nghe lại những câu chuyện liên quan điểm đến như địa đạo A Đon, mới thấy được giá trị, những ý nghĩa lịch sử hết sức sâu sắc. Có lẽ vì vậy, nhiều người vẫn bảo, đến A Lưới, ngoài những địa điểm du lịch sinh thái, cộng đồng thì tham quan hệ thống các di tích lịch sử cách mạng sẽ vô cùng bổ ích, thiết thực cho những đợt về nguồn.
Địa đạo A Đon được công nhận là di tích cấp tỉnh. Và trên thực tế, một số điểm khác cũng đã được công nhận. Đơn cử như di tích lịch sử cách mạng (lưu niệm sự kiện) địa đạo An Hô thuộc thôn A Rý, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh năm 2019; hay di tích lịch sử Động Tiên Công (xã Hồng Kim) thuộc loại địa đạo Hầm chiến đấu, đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2005…
Tháng 12 này, có sự kiện đặc biệt với kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Người Việt Nam có truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc. Và, trên dọc đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tìm đến những di tích lịch sử, hiểu hơn về những công lao của thế hệ đi trước, đó như là chuyến đi để học, để nhớ và để bổ sung thêm nhiều giá trị, kiến thức bổ ích về lịch sử.
Theo Báo Thừa Thiên Huế
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |