Từ chốn “địa ngục trần gian”
Vì sao Côn Đảo lại được gọi là “Địa ngục trần gian”, chúng ta hãy đọc tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán để cảm nhận phần nào sự tái hiện của chốn địa ngục ấy, chỉ một đoạn này thôi chắc hẳn ai cũng phải rùng rợn khi nghĩ về Côn Đảo một thời “Tất cả tù Côn Đảo đều gọi Côn Đảo là địa ngục, một thứ địa ngục trần gian.
Nghe người ta nói ở địa ngục, trên có Diêm Vương hung ác, dưới có bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa. Để hành hạ người chết, có vạc dầu nấu sôi, sông lúc nhúc mãng xà rắn rết, có chỗ cưa chân xẻ tay, róc thịt chẻ xương. Không biết có địa ngục và địa ngục có những cảnh đó không, nhưng ở Côn Đảo, những cảnh đó không thiếu gì, và còn gấp trăm gấp nghìn thế là khác”.
Nhà tù Côn Đảo là hệ thống nhà tù lớn nhất và thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam. Trong 113 năm tồn tại đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người con yêu nước của dân tộc. Hệ thống nhà tù khổng lồ với 44 xà lim, 504 phòng biệt lập, chuồng cọp được thực dân Pháp xây dựng bí mật từ năm 1940 ngụy trang kín đáo sâu trong trại giam Phú Tường với hai lối ra vào.
Đây là nơi tra tấn tù nhân dã man và tàn bạo nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo. Hàng ngàn tù nhân đã bị hành hạ khổ sai, nhiều chiến sĩ cách mạng, người yêu nước đã hi sinh vì những nhục hình này, ngoài những tên cai ngục không ai được biết bí mật nơi biệt giam này, tù nhân chính trị khi đưa vào đây sau khi bị tra tấn đến ngất sẽ được đưa ra bằng đường khác để đánh lạc hướng khiến những người bị giam giữ không phân biệt được phương hướng và trốn thoát là điều không thể.
Thơ mộng bãi Đầm Trầu Côn Đảo. ảnh Đinh Hữu Ngợt
Nhờ 5 sinh viên tù nhân Côn Đảo đã vẽ nên sơ đồ “Chuồng cọp” bí mật của quân đội Mỹ với những đòn tra tấn thời trung cổ. Từ sơ đồ này, nhà tù Côn Đảo trở thành “Địa ngục trần gian” bí mật một thời ra ánh sáng khiến cả thế giới phải sửng sốt trước cách giam giữ tại nhà tù Côn Đảo.
Đến “thiên đường du lịch”
Côn Đảo hôm nay hiện lên là một bức tranh hoàn toàn mới, đã thay da đổi thịt, từ một vùng đất “chết” đã trở thành một điểm du lịch với nhiều loại hình hấp dẫn thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Ai đã từng đến Côn Đảo đều thăm, viếng nghĩa trang Hàng Dương.
Đây được xem là điểm tham quan di tích nổi tiếng tại Côn Đảo, là nơi ghi dấu những chứng tích lịch sử hào hùng của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ đã lần lượt hi sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc, là nơi in dấu tinh thần dũng cảm, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong đó có các anh hùng nổi tiếng như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và nữ anh hùng Võ Thị Sáu…
Loại hình du lịch độc đáo tại Côn Đảo chính là được trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên những con tàu, để chiêm ngưỡng phong cảnh nên thơ tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình ở các đảo như hòn Tài, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, hòn Tre Lớn, hòn Tre Nhỏ, hòn Trứng…với các dịch vụ lặn ngắm san hô, xem rùa đẻ trứng, khám phá quy trình ấp, nở và thả rùa con về biển, khám phá hệ sinh cảnh động thực vật là những điều hết sức thú vị không thể bỏ qua.
Du khách nghỉ dưỡng tại khách sạn resort Six Senses Côn Đảo
Trong đó Vườn quốc gia Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới. Nơi đây được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là một trong 2.203 khu ngập nước quan trọng quốc tế (gọi tắt là khu Ramsar) và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.
Côn Đảo sở hữu nhiều bãi tắm hoang sơ, tuyệt đẹp như bãi Đất Dốc, bãi Đầm Trầu, bãi Nhát, bãi Ông Đụng… với làn nước trong xanh không đâu sánh bằng cùng bãi cát dài trắng mịn nằm kế cận các khu resort hiện đại, đẳng cấp như Côn Đảo Resort, Côn Đảo Sea, Côn Đảo Camping, Khu du lịch Poulo Condor trong đó Six Senses là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên ở Côn Đảo tọa lạc trên diện tích 13 ha với 50 biệt thự.
Khách lưu trú tại các resort này chủ yếu là khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày. Trong quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2020, Côn Đảo đón khoảng 150.000 đến 200.000 lượt khách/năm, trong đókhách du lịch quốc tế chiếm khoảng 15 % và đến năm 2030 có khoảng 250.000 đến 300.000, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 15 đến 20%, dự báo cơ sở lưu trú đến năm 2030 khoảng 2.000 đến 2500 phòng.
Ngày nay, Côn Đảo không chỉ là điểm đến độc đáo của du lịch tâm linh mà còn được biết đến là thiên đường du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của cả nước. Côn Đảo được các báo chí nước ngoài như Travel&Leisure, BBC ca ngợi là điểm đến hoang sơ và lý tưởng nên đến một lần trong đời, Côn Đảo đã lọt vào danh sách 10 điểm đến đẹp nhất châu Á của Chuyên trang du lịch Lonely Planet và gần đây Côn Đảo được trang BBC (Anh) ca ngợi là thiên đường du lịch ở biển Đông…
Du khách có thể đến Côn Đảo bằng tàu thủy hoặc máy bay: + Tàu thủy: *Tàu Poulo Condor, tàu 09, 10 đến Côn đảo khoảng 8 giờ đến 10 giờ (xuất phát từ cảng Cát Lở P.11, TP. Vũng Tàu), ĐT đặt vé tại Vũng Tàu 02543.838.684, tại Côn Đảo 02543.830.619. *Tàu Superdong khởi hành từ Trần Đề (Sóc Trăng)<=> Côn Đảo, mất 02 giờ 30 phút, xuất bến lúc 08h00 hàng ngày và ngược lại, gọi đặt vé: 02993.616.111 - 0916.294.399. + Máy bay: Sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.HCM) - Sân bay Côn Sơn (Côn Đảo). Thời gian bay khoảng 45 phút. |
Minh Đức (tổng hợp)