Núi Hàm Lợn (Sóc Sơn - Hà Nội)
Núi Hàm Lợn được mệnh danh là “nóc nhà của Thủ đô” nằm trên dãy núi Độc Tôn thuộc địa phận Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi đây không chỉ có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ mà còn được ví là “Đà Lạt của Hà Nội” nhờ không khí trong lành, mát mẻ.
Hàm Lợn rất thích hợp cho các chuyến dã ngoại, picnic cuối tuần. Ảnh: @bobohyunie
Đặc trưng ở Hàm Lợn là những rừng thông xanh mướt và không khí trong lành. Du khách có thể cắm trại ở trên đỉnh núi hoặc khu vực ngay cạnh hồ Núi Bàu.
Còn gì tuyệt vời hơn là tổ chức một bữa nướng ngoài trời với khung cảnh hoang sơ, thiên nhiên cây cối tràn ngập xung quanh.
Với những ai thích thử thách, chinh phục thiên nhiên thì có thể leo lên đỉnh núi Hàm Lợn với độ cao khoảng 462 m. Đường lên đây cây cối dày đặc, có chỗ khá dốc nên bạn cần phải trang bị găng tay, giày leo núi và các vật dụng cần thiết.
Đặc trưng ở Hàm Lợn là những rừng thông xanh mướt và không khí trong lành. Ảnh: @quynhh_duong
Núi Hàm Lợn, cách Hà Nội khoảng 40km, theo hướng cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài. Để đến được đây bạn có thể di chuyển bằng cả ô tô, xe máy với thời gian khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.
Núi Trầm (Chương Mỹ - Hà Nội)
Cách Hà Nội khoảng 30km, núi Trầm (xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội) được mệnh danh là “cao nguyên đá” ở Hà Nội.
Được ví là “cao nguyên đá” ở Hà Nội, núi Trầm không hùng vĩ, cheo leo như các dãy núi cao Tây Bắc nhưng có vẻ hoang sơ, bình yên và thơ mộng, thích hợp với các chuyến dã ngoại, cắm trại cuối tuần. Ảnh: @captainessy
Đây là điểm đến lý tưởng cho các chuyến tham quan, dã ngoại cắm trại, thay đổi không khí cho cả gia đình vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ. Đặc biệt, đối với các bạn trẻ đây cũng là điểm check-in “sống ảo” với các bức ảnh ấn tượng.
Tuy không phải là ngọn núi cao nhưng điểm hấp dẫn ở Núi Trầm là khung cảnh hoang sơ với những vách đá cheo leo, hùng vĩ. Ảnh: Quang Hải
Khác hẳn với sự xô bồ, ồn ào của phố thị, khung cảnh của Núi Trầm khiến bạn như lạc vào một thế giới với màu xanh của thiên nhiên, cây cối. Đặc biệt, những khối đá với nhiều hình thù khác nhau, nằm đan xen, rải rác hai bên đường tạo nên khung cảnh ấn tượng cho nơi đây.
Ảnh: @thaolinhhtran
Nằm cách trung tâm Hà Nội không xa nên bạn dễ dàng di chuyển đến núi Trầm bằng phương tiện xe máy, ô tô và có thể đi về trong ngày. Nếu muốn tổ chức cắm trại thì có thể chuẩn bị thêm lều bạt, bếp nướng và các đồ ăn.
Ảnh: Olympipp
Hiện nay, tại khu vực núi Trầm cũng có nhiều hàng quán phục vụ ăn uống và cho du khách thuê các đồ dùng cắm trại. Vì thế, nếu không muốn mang vác nặng bạn có thể đến đây để thuê đồ. Ngoài trải nghiệm tham quan núi Trầm, du khách có thể khám phá di tích chùa Trầm, Động Long Tiên, chùa Trầm Vô Vi.
Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (Sơn Tây - Hà Nội)
Cách Hà Nội hơn 40km về phía Tây, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Thời gian gần đây, khu du lịch này trở thành điểm check-in gây “sốt” và được ví là “Thái Lan thu nhỏ giữa lòng Hà Nội”.
Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam là điểm đến thích hợp cho các gia đình trong dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần.
Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam được chia làm nhiều khu khác nhau như: khu các làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên, khu dịch vụ tổng hợp, khu cây xanh… trong đó tái hiện cuộc sống văn hóa, sinh hoạt độc đáo, đặc sắc của các dân tộc trên khắp đất nước.
Ảnh: @tang_thuy_linhh
Điểm nhấn độc đáo nhất là khu các làng dân tộc. Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc nhà ở đặc trưng của các dân tộc mà còn được hòa mình, khám phá các lễ hội truyền thống đặc sắc như: chợ phiên Tây Bắc, lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam), lễ hội trỉa lúa của dân tộc B’râu (Kon Tum), lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang)…
Hình ảnh chụp ở Tháp Chăm đẹp không kém khung cảnh các ngôi chùa tháp ở Thái Lan. Ảnh: @ van.ponn
Trong đó, quần thể Tháp Chăm với kiến trúc độc đáo, được xây dựng với tỷ lệ tương đương với cụm tháp Po Klong Garai ở tỉnh Ninh Thuận thu hút rất đông du khách tới tham quan, chụp hình.
Ngoài khu vực tháp Chăm, khu làng Khmer cũng là điểm nhấn độc đáo của khu du lịch này. Ảnh: @tang_thuy_linh
Hiện nay, giá vé vào cửa của Làng văn hóa các Dân tộc là 30.000 đồng/ lượt. Để đến được đây, từ Hà Nội các bạn di chuyển theo hướng đại lộ Thăng Long khoảng 36 km là thấy biển chỉ dẫn của khu du lịch nằm bên trái.
Ngoài việc tự túc phương tiện, bạn cũng có thể đi xe bus, tuyến bến xe Yên Nghĩa – Hương Sơn, bến xe Mỹ Đình – Xuân Mai, bến xe Mỹ Đình – Sơn Tây với giá vé từ 20 nghìn đến 25 nghìn đồng/lượt.
Vườn nhãn Vĩnh Tuy
Không chỉ nổi tiếng là điểm chụp ảnh cưới “đẹp như mơ” với không gian thiên nhiên thoáng đãng, vườn nhãn Vĩnh Tuy còn được biết đến là điểm cắm trại tuyệt vời cho các bạn trẻ và gia đình.
Vườn nhãn Vĩnh Tuy với khung cảnh bình yên, không khí thoáng mát, trong lành thích hợp cho các gia đình tổ chức các chuyến cắm trại.
Do nằm cách xa trung tâm thành phố nên nơi đây có không khí trong lành, cảnh đẹp hoang sơ và tách biệt hẳn với sự ồn ào, xô bồ của phố thị. Những hàng cây nhãn cổ thụ trải dài, đan xen tạo nên một không gian xanh mướt, mát mẻ và rất dễ chịu.
Các bạn có thể mang theo bếp nướng và tổ chức cắm trại tại đây.
Đặc biệt, những chiếc lá nhãn khô rụng xuống nền đất tạo nên những lớp thảm đẹp mắt và êm mượt. Trong không gian vườn nhãn, còn có thêm các đạo cụ như: xe ngựa, xích đu, xe hơi cổ… giúp bạn tha hồ có những bức ảnh “sống ảo” tuyệt đẹp.
Chi phí vào cửa từ 10-20 nghìn đồng tùy người lớn hay trẻ nhỏ. Hiện nay, các dịch vụ hàng quán ở đây cũng không nhiều, chủ yếu là các đồ ăn nhanh để phục vụ các đoàn đến chụp ảnh cưới, vì thế nếu bạn dự định đi cắm trại thì nên chuẩn bị bếp nướng, đồ ăn từ nhà để tránh bị động.
Vườn nhãn nằm ở ven sông Hồng bên phía Long Biên, đoạn giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy, cách trung tâm Hà Nội khoảng 5km.
Hiệp Nguyễn/dantri.vn