Sau gần một thế kỷ nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, những tinh hoa của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp đã để lại dấu ấn trên nhiều công trình quan trọng của thủ đô Hà Nội.
Nhà hát Lớn là một công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Nằm ở đầu phố Tràng Tiền, không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đây là nơi thường xuyên diễn ra những chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn của cả nước.
Nhà hát lớn hấp dẫn du khách với nét kiến trúc cổ điển Pháp. Ảnh: Zing
Công trình này là tác phẩm của hai kiến trúc sư người Pháp Harlay và Broyer, được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Nhà hát lớn Hà Nội mang nhiều màu sắc và đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp. Ảnh: Zing
Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, thường được gọi là Nhà thờ Lớn Hà Nội là nơi có ngai tòa của tổng Giám mục. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu.
Nhà thờ lớn Hà Nội được thiết kế theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Ảnh: 24h
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tiền thân là bảo tàng Louis Finot, do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925, được đưa vào hoạt động năm 1932, là một đại diện lớn của phong cách Kiến trúc Đông Dương, một phong cách kết hợp tinh hoa của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Ảnh: 24h.com.vn
Phủ toàn quyền Đông Dương do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng và uy nghiêm. Năm 1945, toà nhà được đổi tên thành Phủ Chủ Tịch. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp trên 1000 đoàn đại biểu trong và ngoài nước.
Phủ Chủ tịch là một dinh thự có phong cách hoàn toàn Châu Âu. Ảnh: Zing
Cầu Long Biên cũng là một di sản nổi tiếng mà người Pháp để lại. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902, đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.
Cầu Long Biên được mệnh danh là “tháp Effel nằm ngang của Hà Nội” bởi phong cách “rất Pháp” của công trình giao thông lịch sử này. Ảnh: HaThanh Photography
Tháp nước Hàng Đậu là công trình cấp nước sinh hoạt có từ thời Pháp thuộc, được xây dựng trên ngã 6 phố Hàng Đậu - Hàng Than - Quán Thánh - Hàng Lược - Hàng Giấy - Phan Đình Phùng. Nhiều người lầm tưởng đây là cái lô cốt, nên gọi nó là “Bốt Hàng Đậu”.
Bốt Hàng Đậu là công trình cấp nước sinh hoạt, được đưa vào hoạt động từ năm 1894. Ảnh: news.zing.vn
Trường THPT Chu Văn An được người Pháp thành lập để đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị của họ tại Bắc Kỳ. Trường nổi tiếng với cái tên "Trường Bưởi", do phong trào yêu nước của học sinh sinh viên của trường.
Nhà Bát Giác là toà nhà cổ kính nhất trong trường THPT Chu Văn An, nay được dùng làm thư viện. Ảnh: news.zing.zn
Ngoài ra, còn vô số các công trình do Pháp xây dựng vẫn được đánh giá cao về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hoá, như trụ sở Bộ Ngoại giao, nhà khách Chính phủ, nhà thờ Cửa Bắc, trường Đại học Tổng hợp, bệnh viện K…
Lan Hương