Đó là chủ trương cũng là những mục tiêu lớn mà Yên Bình đang quyết liệt hướng tới trên hành trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Một vùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ
Ai đó đã nói rằng: Yên Bình - miền quê sơn thủy hữu tình. Nhận định ấy là hoàn toàn có cơ sở. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng riêng cho Yên Bình những thế mạnh riêng có đáng thèm muốn. Bên cạnh những điểm di tích lịch sử văn hóa như Đền thờ Mẫu Thác Bà, Đình Khả Lĩnh… thì đặc ân lớn nhất mà tạo hóa ban tặng cho Yên Bình là hồ Thác Bà.
Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình (Yên Bái), là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam. Thác Bà được khởi công xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1970 với mục đích làm nghẽn dòng sông Chảy tạo ra hồ nước phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Thác Bà - nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Hồ Thác Bà có diện tích tổng thể 23.400 ha, diện tích mặt nước khoảng 19.500 ha.
Vẻ đẹp Hồ Thác Bà
Điểm hấp dẫn lớn nhất của Hồ Thác Bà cũng là điều khiến du khách si mê khi đến đây chính là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình của vùng hồ này. Trong lòng hồ có đến 1.334 đồi đảo lớn, nhỏ. Vùng hồ Thác Bà còn có những hệ thống hang động tự nhiên ẩn sâu trong những dãy núi đá vôi thu hút rất nhiều khách tham quan du lịch như: Động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà, động Cẩu Quây… Đó là lý do khiến Hồ Thác Bà được ví là “Hạ Long trên núi”.
Trong hệ thống hang động trên hồ Thác Bà, phải kể đến động Thủy Tiên. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, với những nhũ đá lấp lánh trong động có thể xem là những kiệt tác của tự nhiên với hệ thống nhũ đá đa màu sắc, khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng trong đó có hình chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ, hấp dẫn. Bên cạnh đó, Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà. Những buổi sáng sớm hay buổi chiều mùa hè, những đêm trăng thu, du khách leo lên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ bao la, mênh mông trong màn sương với vẻ đẹp lung linh huyền ảo.
Không chỉ sở hữu cảnh quan mê đắm lòng người, hồ Thác Bà còn hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc địa phương như Lễ hội mừng cơm mới của người Tày, Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao…, cuộc sống thường ngày vừa giữ được nét hoang sơ cùng màu sắc bản địa độc đáo của người Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan… sống trên triền núi hoặc ven hồ.
Không chỉ là một thắng cảnh hùng vĩ, hồ Thác Bà còn là một di tích lịch sử quan trọng. Các nhà khảo cổ đã phát hiện tại đây những dấu vết của người Việt cổ.
Chính bởi những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc ấy, tháng 9/1996, thắng cảnh hồ Thác Bà được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Còn với du khách bốn phương, hồ Thác Bà đã lưu lại đậm nét trong kí ức du khách như một “viên ngọc quý vùng Tây Bắc”.
Phát triển du lịch thế mạnh
Làm du lịch phải tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm để thu hút khách. Yên Bình là một trong những địa phương sớm nhận thức rất rõ về điều này. Từ nhận thức ấy, những năm qua Yên Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hợp tác, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như: tôm, cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh, khoai sọ Phúc An, dưa hấu Xuân Lai, thanh long ruột đỏ; các sản phẩm đan lát làng nghề thôn Đồng Tâm xã Phúc An, thôn Cây Tre xã Xuân Lai…; các sản phẩm văn hóa dân gian…
Bưởi Đại Minh (Yên Bình)
Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cũng là một hướng đi riêng của Yên Bình. Năm 2018, Yên Bình đã xây dựng Đề án số 470/ĐA-UBND về Phát triển du lịch cộng đồng vùng đông hồ Thác Bà huyện Yên Bình giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch homestay nghỉ tại 28 hộ ở 4 thôn là: thôn Ngòi Tu xã Vũ Linh, thôn Đồng Tý xã Phúc An, thôn Ngòi Cụ xã Yên Thành và thôn Trung Tâm xã Xuân Lai.
Phát triển du lịch nhưng phải chú trọng tuyên truyền, khuyến khích giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng là một quan điểm rất đáng chú ý và trân trọng của huyện Yên Bình. Để việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa phương thực sự hiệu quả, phát huy được ý thức giữ gìn và trách nhiệm bảo tồn của chính người dân và cộng đồng, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian, từ đó phát huy được các nhân tố hạt nhân ở cơ sở trong việc phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ. Với sự hỗ trợ về nhiều mặt của huyện, đến nay, huyện Yên Bình đã thành lập được 14 câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật dân gian các dân tộc. Nhiều CLB văn hóa dân gian phát triển mạnh, thu hút số thành viên tham gia đông như CLB văn hóa dân gian xã Tân Hương hiện có trên 70 thành viên ở các thế hệ tham gia. Ngoài ra, phát triển mô hình các đội văn nghệ quần chúng cũng được coi là một trong những giải pháp của Yên Bình trong việc gắn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch. Nhiều xã đã duy trì và phát triển được các đội văn nghệ quần chúng hoạt động đều đặn, hiệu quả, mang bản sắc riêng như đội văn nghệ thôn Đá Trắng, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh; đội văn nghệ xã Phúc An, đội văn nghệ xã Yên Thành, xã Xuân Lai…
Để phát triển du lịch đạt hiệu quả, huyện cũng chủ trương đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về du lịch, trong đó quan tâm tới công tác quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, nghị quyết phục vụ phát triển du lịch.
Nỗ lực cho những mục tiêu lớn phía trước
Những nỗ lực thời gian qua đã mang lại cho du lịch Yên Bình những thành quả đáng khích lệ. Năm 2018, huyện thu hút trên 90.000 lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương. Năm 2019, huyện Yên Bình đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 95.000 - 97.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 60 tỷ đồng.
Biểu diễn văn nghệ dân gian của người Dao quần trắng xã Vũ Linh phục vụ du khách
Không dừng lại những kết quả ấy, huyện Yên Bình đang nỗ lực cho những mục tiêu lớn phía trước, trong đó điểm nhấn là việc phát triển du lịch hồ Thác Bà. Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia (DLQG) hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đến trước năm 2025, Khu du lịch hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển Khu DLQG hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có sản phẩm chủ đạo, đặc trưng và hình thành thương hiệu cho Khu DLQG hồ Thác Bà. Đến năm 2025 huyện Yên Bình đón khoảng 380 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 140 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch: Đến năm 2025 đạt 300 tỉ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỉ đồng.
Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Khu DLQG hồ Thác Bà, huyện Yên Bình không chỉ tạo dựng được không gian kết nối với các khu du lịch, điểm du lịch quan trọng của tỉnh Yên Bái, thủ đô Hà Nội; hình thành mối liên kết chặt chẽ với các khu du lịch Quốc gia, trọng điểm phát triển du lịch khác trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm… mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Đình Làng Than ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vừa được đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp...
Thời điểm này, lúa chín vàng trên những triền ruộng là lúc cảnh sắc ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đẹp nhất...
Tối 30/4, huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình nghệ thuật “Vang mãi bài ca thống...
Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: Trong dịp nghỉ lễ...
Ngày 19/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ủy ban nhân dân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị kích cầu phát triển...
Trong năm 2022, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch. Đây là những điểm nhấn trong...
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Yên Bái liên tục ghi nhận và phát hiện các khối đá khắc cổ trên địa bàn xã Lao...
Hôm nay 5/11, Bảo tàng Yên Bái tổ chức Lễ tiếp nhận 96 hiện vật từ Ban Liên lạc Giải phóng Chiến khu Vần tỉnh...
Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp ngành du lịch Yên Bái chịu tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19. Trong 9 tháng...
Vượt qua cung đường quanh co, uốn lượn ôm trọn lấy những sườn núi, hít một hơi căng đầy lồng ngực để tận...
Thạc sỹ Lý Kim Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết, trong đợt khảo sát sưu tầm chuyên đề các...
Ngày 27/6, tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình đường...