Làng gốm Vĩnh Hồng ngày cuối thu, đường vào làng thoảng mùi đất nung từ những lò gốm đang đỏ lửa. Những đống đất sét, cao lanh được phủ bạt ngất ngưởng bên đường. Trong sân nhà dân, những sản phẩm gốm, sứ, bát đĩa, chum sành, vại sành bày la liệt.
Các cụ cao niên kể rằng: Nghề gốm của làng có từ thế kỷ XVIII, theo chân những thợ lành nghề từ vùng Gia Lâm (Hà Nội) di dân đến đây. Tuy không có bề dày lịch sử như các làng gốm nổi tiếng Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Chu Đậu (Hải Dương)... thế nhưng sản phẩm gốm Vĩnh Hồng lại mang một nét đặc trưng riêng bởi mẫu mã đẹp, độ bền cao, khả năng chịu va đập và độ bền men sứ tốt. Đặc biệt, làng gốm truyền thống này đến nay vẫn còn giữ được cách nung gốm bằng củi.
Anh Nguyễn Xuân Thống, chủ một cơ sở sản xuất gốm truyền thống ở Vĩnh Hồng cho biết:"Lò củi này đun được nhiều hàng lắm, ví dụ như 1 bầu của chúng tôi có thể đun được vài trăm chiếc sản phẩm. Đun bằng củi thì hàng rất bền vì lò luôn được ủ nhiệt, mà chi phí lại rẻ hơn rất nhiều so với lò ga. Lò ga vốn không đun được nhiều hàng to, mỗi lò ga chỉ chứa được vài chục sản phẩm nhưng lò bầu, lò đun củi lại làm được nhiều sản phẩm to và giá thành hợp lí với người tiêu dùng".
Theo nghệ nhân Nguyễn Đình Cầu, gốm ở đây đều được nung suốt 24 giờ với nhiệt độ dao động từ 1200-1300 độ C, trong khi nhiều làng gốm truyền thống khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ nung ở nhiệt độ 800 độ C. Sản phẩm khi ra lò sẽ có độ bền cao, dày, ít bị nứt vỡ và hoa văn không phai màu do được chạm khắc trực tiếp vào sản phẩm chứ không phải vẽ trên men. Để làm ra một sản phẩm gốm có chất lượng tốt, khâu quan trọng nhất là làm khuôn. Nếu làm khuôn không tốt, bị méo hoặc nước tráng không phù hợp thì sản phẩm khi đưa vào lò nung sẽ nứt vỡ ngay lập tức.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Cầu nói: "Việc đổ khuôn là khâu đầu tiên rất quan trọng, nếu muốn sản phẩm đẹp thì trước mắt phải do người làm khuôn và tạo mẫu mã, mẫu mã có đẹp thì sản phẩm ra mới đẹp được. Thứ hai là làm một cái khuôn phải chất lượng, độ hút nước, độ cứng của khuôn không vênh méo thì sản phẩm lấy ra mới đẹp, nhẵn và đạt tiêu chuẩn của làng nghề gốm Vĩnh Hồng".
Trước đây, cả làng Vĩnh Hồng đều làm gốm nhưng cũng có thời gian dài, làng gốm rơi vào tình trạng “nguội lửa” do thiếu những sản phẩm mới, đặc trưng. Một số hộ sản xuất chuyển sang công việc khác nên chỉ còn lại 17 hộ theo nghề.
Ông Phạm Văn Thắng, Bí thư chi bộ gốm sứ Vĩnh Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lan cho biết, làng đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm chum vại lớn để đựng rượu, nước mắm, gạo... Sự thay đổi này đem lại lợi nhuận bình quân cho mỗi hộ từ 20-30 triệu đồng/1 tháng; tạo mức thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/1 tháng cho hàng trăm lao động.
"Chúng tôi cũng đã có những buổi giao lưu để trao đổi kinh nghiệm từ phương án sản xuất cũng như là các phương án tiêu thụ gốm, qua đó học hỏi lẫn nhau. Bản thân tôi cũng học hỏi những ý tưởng hay của hộ gia đình xung quanh và các hộ cũng học hỏi kinh nghiệm trong cách làm gốm của chúng tôi. Do vậy mà trong thời gian vừa qua, đứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng chúng tôi cũng đã duy trì để ổn định được sản xuất và tiêu thụ", ông Phạm Văn Thắng nói.
Những sản phẩm được làm từ làng gốm Vĩnh Hồng không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài. Ngoài ra, các hộ sản xuất ở đây cũng liên kết với nhiều hộ sản xuất gốm nhỏ lẻ tại các địa phương xung quanh để thành lập nên Hiệp hội gốm sứ Đông Triều, giúp đỡ nhau cùng phát triển trong quá trình sản xuất, tiêu thụ.
Sắp tới, khi khu vực sản xuất gốm sứ với diện tích 20ha được quy hoạch, làng nghề gốm sứ Vĩnh Hồng sẽ có nhiều điều kiện tốt để hình thành mô hình kết hợp giữa sản xuất và hoạt động du lịch trải nghiệm cho du khách, phát huy giá trị hơn 200 năm của làng nghề giàu truyền thống này.
Ông Lê Văn Tình, Phó trưởng phòng kinh tế Thị xã Đông Triều, cho biết: "Trong thời gian vừa qua thì đối với ngành nghề gốm sứ Đông Triều, chúng tôi cũng xác định đây là ngành nghề tương đối đặc trưng cần thiết phải có những biện pháp bảo tồn và phát huy. Thứ nhất chúng tôi cũng đã triển khai việc kiện toàn hiệp hội gốm sứ Đông Triều và xây dựng được nhãn hiệu tập thể gốm sứ Đông Triều. Thứ hai, chúng tôi phối hợp với Sở Khoa học công nghệ để thực hiện hình thành trung tâm ươm tạo gốm sứ trên địa bàn, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như hộ sản xuất đưa được sản phẩm của mình tham gia vào những chương trình xúc tiến thương mại".
Sự chuyển mình của gốm Vĩnh Hồng để thích nghi với nhịp sống hiện đại cũng cho thấy sự năng động của người dân làng nghề, để không chỉ giữ được nghề, theo được nghề, mà còn đưa tinh hoa nghề gốm, đưa sắc màu văn hóa dân tộc tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Thành Nam / VOV Đông Bắc
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |
Sáng ngày 15/11, hơn 600 du khách Malaysia đến tham quan và trải nghiệm nhiều dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng...
Đến hẹn lại lên - Khi lúa trên các thửa ruộng bậc thang chín vàng cũng là lúc du khách nô nức về Bình Liêu,...
Thành phố biên giới Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đang thu hút lượng khách du lịch tăng đột biến. Nhờ sự thuận...
Các rạn san hô khu vực Đảo Trần, xã đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) hiện được bảo tồn rất nghiêm...
Chỉ gần 2 tháng từ khi đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thông xe, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) đã phục vụ hơn...
Tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 250.000 lượt khách du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, trong đó riêng TP....
Đảo Soi Sim nằm trong tuyến số 2 tham quan vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Tuy nhiên, khoảng 4 năm gần đây, du...
Cao điểm mùa du lịch biển, lực lượng cứu hộ luôn túc trực tại các khu vực bãi tắm của thành phố Hạ Long...
Tối 30/6, tại Khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh tổ chức khai mạc Tuần...
Sáng 21/6, 3 tàu đang neo đậu sửa chữa tại bến phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bất ngờ...
Dịp cuối tuần, tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 160.000 lượt khách tới tham quan các danh lam thắng cảnh, khu di...
Dự kiến trong tháng 7 tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ đón 2 chuyến bay đầu tiên dưa du khách từ Hàn Quốc sang Việt...